Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt, cho biết, thực hiện Kế hoạch của UBND huyện Tân Sơn về triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, xã đã có nhiều biện pháp nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện Dự án.
Qua các biện pháp, nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Xã đã chỉ đạo xây dựng các Tổ truyền thông cộng đồng để nhận dạng, khơi gợi và thúc đẩy sự thay đổi, tiến tới xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, chấm dứt các tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó đặc biệt chú ý tới các biện pháp nhằm thay đổi hành vi bạo lực gia đình, phòng ngừa mua bán người, di cư lao động không an toàn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết,…
"Xã cũng rà soát, xác định nhu cầu thành lập mới các Tổ truyền thông cộng đồng và nâng cao chất lượng mô hình hiện có. Đồng thời hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông tại các khu. Các Tổ cũng được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông và phương pháp viết tin, bài truyền thông; kỹ năng xây dựng và phương pháp truyền thông bằng hình thức văn hóa văn nghệ tương tác; hướng dẫn vận hành và quản lý Tổ theo Sổ tay hướng dẫn truyền thông; xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số", bà Nguyễn Thị Oanh cho biết.
Ngoài ra, xã cũng có chính sách hỗ trợ nhóm mạng lưới truyền thông nòng cốt trên nền tảng số, ứng dụng các công cụ truyền thông xã hội đơn giản, dễ áp dụng như zalo, facebook,… Phấn đấu 100% Tổ truyền thông cộng đồng ứng dụng mạng xã hội để chia sẻ, cập nhật thông tin. Qua các phương tiện truyền thông đa dạng, các Tổ sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt, các Tổ xây dựng chương trình truyền thông trên các đài truyền thanh của xã tiếp sóng và phát lại chương trình. Hàng tháng phát thanh đến các khu dân cư bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Tổ chức xây dựng nội dung, thông điệp và hoạt động truyền thông tại cộng đồng, đảm bảo mỗi Tổ tổ chức được ít nhất 1 cuộc truyền thông/quý.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế gắn với các buổi sinh hoạt chi/tổ phụ nữ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm tín dụng tự quản để cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội thu nhập và lồng ghép giới.
"Qua các biện pháp tuyên truyền, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương như tham gia các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị", bà Oanh thông tin.
Trong thời gian tới, xã sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Dự án 8/2023, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn