Tiến trình Bali nên cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn

14:51 | 23/07/2019;
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, bên cạnh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, Tiến trình Bali nên cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp và chiến lược hợp tác trong thời gian tới.

Việt Nam hy vọng Tiến trình Bali sẽ xem xét nghiêm túc các định hướng trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa vai trò và thúc đẩy sự kết nối của Tiến trình trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đưa ra ý kiến trên tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm công tác của Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, diễn ra vào sáng 23/7, tại thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị lần này thu hút hơn 100 đại biểu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Tại Hội nghị, Nhóm công tác sẽ tổng kết các hoạt động thời gian qua cũng như trao đổi và định hướng ưu tiên cho hoạt động sắp tới của Tiến trình Bali phù hợp với xu thế quản lý di cư trên thế giới.

 

ttxvn_bali.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Theo ông Tô Anh Dũng, bên cạnh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, , hợp pháp và chiến lược hợp tác trong thời gian tới. Điều này cũng phù hợp với cam kết của Tiến trình là tăng cường tham gia hơn nữa các cơ chế hợp tác khu vực và đa phương, ví dụ như ASEAN, Diễn đàn toàn cầu về Di cư và phát triển.

Trên thực tế, một số sáng kiến hợp tác của Tiến trình, đặc biệt là sự ra đời của Diễn đàn Chính phủ và Doanh nghiệp vào 2017 được đánh giá cao và ghi nhận trong Báo cáo chuyên đề 2019 của GFMD tại Diễn đàn Chính trị cấp cao vì sự phát triển bền vững tổ chức tại New York từ 11-15/7 vừa qua. Điều này cũng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững.

Tiến trình Bali do Chính phủ Australia và Indonesia đồng khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng châu Á-Thái Bình Dương về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, tổ chức tại Bali (Indonesia) tháng 2/2002.

Mục tiêu của Tiến trình là tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực về vấn đề biên giới và hệ thống thị thực để phát hiện và loại trừ di cư trái phép; tăng cường nhận thức chung để giảm thiểu việc di cư trái phép và mua bán người cũng như cảnh cáo các đối tượng dễ bị ảnh hưởng; cung cấp những hỗ trợ và bảo vệ thích hợp cho các nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; chia sẻ các thông tin có liên quan một cách hiệu quả.

 

trung-quoc-cuoc-di-cu-ve-que-an-tet-3.jpg
Ảnh minh họa

 

Việt Nam vừa là nước gốc, vừa là nước đến của người di cư. Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người. Là nước tham gia Tiến trình Bali ngay từ ngày đầu được mời là thành viên Nhóm công tác của Tiến trình, Việt Nam thường xuyên tham gia các nhóm làm việc về phòng, chống mua bán người, trấn áp triệt phá mạng lưới mua bán người và đưa người di cư trái phép.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 14 này là dịp để Việt Nam khẳng định nỗ lực của mình trong vai trò thành viên tích cực của Tiến trình Bali.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn