Sự kiện "Đặc sắc văn hóa Việt - Nhật" là dịp để Ban tổ chức giới thiệu đến bạn đọc và công chúng những điểm đặc sắc về văn hóa, các công trình kiến trúc, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc của hai quốc gia.., các bạn học sinh, sinh viên cũng như du khách đã có dịp trải nghiệm và mở rộng sự hiểu biết.
Những tiết mục văn nghệ như: "Cụ Phan viếng bạn", "Công chúa Ngọc Hoa", phần giới thiệu trà đạo Nhật Bản, biểu diễn trang phục áo dài Việt Nam - Kimono Nhật Bản và đặc biệt là tiếng đàn tranh tuyệt vời của NSƯT Hải Phượng kết hợp cùng tiếng đàn Koto truyền thống của Nhật Bản đã khiến khán giả vô cùng thích thú.
45 năm gắn bó với đàn tranh, TS.NSƯT Hải Phượng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền âm nhạc dân tộc nước nhà. Tên tuổi chị được xem là sự bảo chứng cho những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, đậm bản sắc dân tộc và tinh tế. Những chương trình nghệ thuật lớn của TP.HCM hoặc lưu diễn ngoài nước, với những tác phẩm có sự tham gia của NSƯT Hải Phượng đều để lại ấn tượng tốt đẹp.
NSƯT Hải Phượng chia sẻ: "Trong âm nhạc, có một số dụng cụ có sự tương đồng. Về hình thức, đàn tranh khá giống với đàn Koto của Nhật Bản, đàn Gayaeum của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, đàn yatga của Mông Cổ… Tuy nhiên, đàn tranh lại khác biệt về âm sắc, kỹ thuật và mỗi loại đàn lại có tiếng nói riêng, thể hiện văn hóa của mỗi dân tộc".
Tại sự kiện "Đặc sắc Văn hóa Việt - Nhật", sự kết hợp giữa âm thanh trầm hùng, bi tráng của đàn Koto của Nhật Bản với sự trong trẻo, nhẹ nhàng, thanh cao của đàn tranh của Việt Nam đã mang lại cho khán giả những cảm xúc khó quên. Và sự hòa quyện của hai loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản đã góp phần vào việc tôn vinh giá trị văn hóa của hai quốc gia.
NSƯT Hải Phượng hiện là Phó trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM. Là một người luôn gắn bó với âm nhạc dân tộc và dành tình cảm gắn bó với các bạn học sinh, sinh viên, NSƯT Hải Phượng đã nhiệt tình nhận lời tham dự sự kiện "Đặc sắc Văn hóa Việt - Nhật" dù công việc của chị rất bận bịu. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều kế hoạch của NSƯT Hải Phượng phải thay đổi và chưa thể thực hiện được. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, NSƯT Hải Phượng sẽ tiếp tục mang tiếng đàn tranh huyền ảo của mình đến với nhiều sự kiện văn hóa khác, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nền âm nhạc nước nhà.
TS.NSƯT đàn tranh Hải Phượng, sinh năm 1969, hiện là giảng viên của Nhạc viện TP.HCM. Nghệ sĩ Hải Phượng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhạc dân tộc, cho nên từ bé, chị đã được mẹ truyền dạy cho về đàn tranh. Khi lên 7 tuổi, chị được theo học đàn tranh tại Nhạc viện TP.HCM.
Ở những năm tháng thăng hoa nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Hải Phượng đã đạt được những thành tựu đáng trân quý như: Giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh lần thứ nhất năm 1992; trình diễn tại các liên hoan và các sự kiện âm nhạc lớn: Hội chợ triển lãm Hàn Quốc năm 1993; Liên hoan Việt Nam tại Nhật Bản năm 2001; Liên hoan m nhạc châu Á năm 2000; trình diễn cùng dàn nhạc Tokyo… Cũng nhờ đây mà đàn tranh Việt Nam đã được trên 20 quốc gia biết đến.
Ngoài ra, nghệ sĩ Hải Phượng còn được sang Paris (Pháp) cùng với giáo sư Trần Văn Khê để thực hiện đĩa nhạc La Music Hier et Aujourd'hui vào năm 1993. Năm 1981, Nghệ sĩ Hải Phượng cùng mẹ và em gái là nghệ sĩ Hải Yến đã lập ra Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn