“Làn sóng” học tiếng Việt
Tại Hàn Quốc, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh trước nay vẫn luôn là yếu tố cần thiết để có công việc lương cao và cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tìm kiếm theo học một ngôn ngữ ít phổ biến hơn, đó là: tiếng Việt. Thậm chí trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tiếng Việt từng có thời gian gây sốt ở Hàn Quốc khi ngày càng có nhiều nhân viên văn phòng tìm đến ngôn ngữ này.
Trong bối cảnh hai nước tăng cường quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, năm 2017 từng đạt tổng giá trị đầu tư kỷ lục 7,4 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc thậm chí cho nhân viên học tiếng Việt ngay trước khi đầu tư vào Việt Nam. Tại đảo Jeju, Sở Giáo dục và Đào tạo có thời gian tổ chức lớp sơ cấp và trung cấp tiếng Việt vào buổi tối cho công nhân viên chức tham gia.
Không chỉ giới văn phòng, rất nhiều bạn trẻ yêu thích tiếng Việt, chọn đó làm ngành học bậc học Đại học của mình. Hiện nay, Đại học Hankuk hay còn được gọi là Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, đào tạo 30 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó tiếng Việt là một trong những khoa khá nổi trội. Đại học Chungwoon là một trong những trường có khoa Việt Nam học, nhiều sinh viên Hàn lựa chọn.
Có rất nhiều lý do khác nhau các bạn trẻ Hàn Quốc chọn học tiếng Việt, có thể vì cơ hội việc làm, có thể vì thích các ngôi sao Vbiz, cũng có thể vì có nhiều người bạn là Việt Nam, thích văn hóa Việt Nam, hoặc quan tâm đến việc học ngôn ngữ và thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ có nét đặc sắc…
Yoo Eun Hye (sinh viên Đại học) chia sẻ: “Có rất nhiều bạn Việt Nam đang theo học tại trường mình. Nhưng các bạn đang du học bằng tiếng Anh, không biết tiếng Hàn Quốc. Vì vậy, mình muốn học tiếng Việt để có thể hiểu và nói chuyện cùng các bạn”.
Cầu nối mang tên “tiếng Việt”
Trong kỳ thi hướng dẫn viên thông dịch du lịch tiếng Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hàn Quốc hỗ trợ và Hiệp hội Hướng dẫn viên thông dịch du lịch Hàn Quốc chủ trì có nhiều người tham gia. Để có thể lấy được bằng, người học có thể đăng ký khóa học chuyên sâu chuẩn bị cho kì thi.
Khóa học này có hai cấp học. Cấp học cơ bản, hỗ trợ để thi lấy bằng năng lực tiếng Việt, học từ sơ cấp bảng chữ cái, đến trung cấp sẽ có thể đăng ký thi. Cấp học thứ 2 chuẩn bị kiến thức cho vòng phỏng vấn tiếng Việt và tiếng Hàn. Ở vòng thi phỏng vấn tiếng Việt, cần học về lịch sử, tài nguyên du lịch Hàn Quốc, để có thể truyền tải những hiểu biết mang tính chuyên môn về văn hóa và lịch sử các địa danh của Hàn Quốc.
"Mình đang học lớp trung cấp của Khóa Hướng dẫn viên du lịch. Đến lớp mình có môi trường để luyện tập nói cùng cô giáo và các bạn. Mình thấy rất vui khi có thể giới thiệu những điểm du lịch của Hàn với du khách bằng tiếng Việt. Tiếng Việt có 6 dấu thanh, vì vậy phát âm rất khó. Nhưng học tiếng Việt thực sự thú vị”, Kim Seon Yoo (sống tại Seoul) chia sẻ.
Bên cạnh đó, tiếng Việt hiện nay cũng được đưa vào chương trình dạy học ở một số trường phổ thông ở Hàn Quốc như một môn ngoại ngữ. Trường Trung học ngoại ngữ Chungnam, là trường THPT có giảng dạy tiếng Việt đầu tiên ở Hàn Quốc. Trường có 3 khối lớp, mỗi khối có 1 lớp tiếng Việt, mỗi lớp dao động từ 17- 21 học sinh. Học sinh theo học ngành tiếng Việt đa số là các em người Hàn Quốc, có 20% là gia đình đa văn hóa (Hàn – Việt, Trung – Việt, Hàn – Canada).
“Ở trường THPT Chungnam, giáo viên dạy tiếng Việt không được phép sử dụng tiếng Hàn trong lớp, hoàn toàn phải nói tiếng Việt. Ngoài học tiếng Việt cơ bản, các em được học về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Chính vì thế, học sinh khoa tiếng Việt của trường năng lực nghe rất tốt. Ở các cuộc thi hùng biện, những chương trình ngôn ngữ, học sinh trường đạt giải rất cao”, cô Nguyễn Thị Kim Thư (giáo viên dạy tiếng Việt - trường THPT Ngoại Ngữ Chungnam) chia sẻ.
Trên một số trang xã hội Hàn Quốc, cũng có rất nhiều giáo viên người Hàn Quốc chia sẻ các kiến thức về học tiếng Việt. Như trên trang Naver Cafe, cô giáo Song Yue-ri, một giáo viên người Hàn dạy tiếng Việt, đã từng có hơn 10 năm sinh sống tại Việt Nam. Cô Song Yue-ri cũng là tác giả của cuốn sách “Hướng dẫn cần thiết dành cho kỳ thi lấy bằng hướng dẫn viên thông dịch du lịch tiếng Việt”. Cô cũng là tác giả của các như án như: Học tiếng Việt qua bài hát, học tiếng Việt 1 tuần 7 phút... được rất nhiều học viên theo học.
Học tiếng Việt để nhớ về cội nguồn
Hiện nay, thế hệ thứ hai ở các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn, các em rất có ý thức về một phần dòng máu của mình. Ở các trung tâm dạy tiếng Việt và trường THPT ngoại ngữ có nhiều học viên là con lai Việt – Hàn. Điều này cho thấy cha mẹ và thế hệ sau luôn hướng về quê hương, dành tình yêu cho mảnh đất hình chữ S.
Song Hye Yeon, hiện đang theo học tại trường THPT Ngoại ngữ Chungnam, có mẹ là người Việt Nam, chia sẻ: “Em học tiếng Việt được 8 năm. Hàng năm em luôn cùng mẹ về nhà ngoại ở Việt Nam. Vì thế tình yêu với quê mẹ càng càng nhiều. Em muốn được tự tin nói chuyện với nhà ngoại và làm quen với các bạn ở Việt Nam, nên đã xin mẹ học tiếng Việt”.
Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc luôn cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ con em các gia đình đa văn hóa Hàn – Việt có thể học tiếng mẹ đẻ bằng cách tổ chức các lớp “Tiếng Việt yêu thương”. Đây chính là hoạt động góp phần gìn giữ nét đẹp tiếng Việt, nét đẹp của văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam.
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng phối hợp với Quỹ Phát triển châu Á để hỗ trợ các học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba, đào tạo tiếng Việt và cấp học bổng cho học sinh đi du học tại các trường đại học ở Việt Nam. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho việc học tiếng Việt của thế hệ người Việt thứ hai tại Hàn Quốc. Xa hơn, những lớp trẻ này sẽ trở thành cầu nối, góp phần vào sự phát triển quan hệ hai nước Việt - Hàn trong tương lai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn