Ngày 7/11, tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TPHCM, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức chương trình "Truyền thông khởi nghiệp cho nữ vận động viên".
Chương trình nhằm giới thiệu, tạo động lực khởi sự kinh doanh và chuẩn bị hành trang khởi nghiệp sau khi hết thời gian thi đấu chuyên nghiệp cho các nữ VĐV. Chương trình có sự tham gia của hơn 100 nữ VĐV.
Là khách mời tại chương trình, nữ Đô cử Châu Hoàng Tuyết Loan bày tỏ niềm phấn khởi. Chị được biết đến như một tượng đài của thể thao người khuyết tật Việt Nam, đã vượt qua bệnh tật để giành chiến thắng, mang về hàng chục tấm huy chương, nhiều lần tham dự các giải châu Á và thế giới, Paralympic.
Riêng đấu trường ASEAN Para Games, VĐV Tuyết Loan đã liên tục vô địch cử tạ hạng cân 55kg từ năm 2013 đến nay. Chị Loan cho biết, đây là lần đầu tiên chị tham gia chương trình truyền thông về khởi nghiệp, hoạt động này tiếp thêm động lực mạnh mẽ để chị nung nấu ý tưởng khởi nghiệp.
"Ngoài việc luyện tập để tham gia thi đấu, tôi còn tranh thủ thời gian để bán hàng online về các sản phẩm như nước hoa, mỹ phẩm, nhằm kiếm thêm thu nhập. Bản thân tôi luôn mong muốn sau khi không còn tham gia thi đấu thể thao thì vẫn có công việc ổn định để có nguồn thu, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, tôi ao ước mở một phòng tập nho nhỏ, tạo thêm công ăn việc làm cho các VĐV khuyết tật giống mình, để các bạn không còn cảnh long đong, sau khi thi đấu lại đi bán vé số", VĐV Tuyết Loan bộc bạch.
Nữ VĐV khuyết tật Nguyễn Thị Hải chia sẻ: "Tôi thấy chương trình rất ý nghĩa với cá nhân tôi và các nữ VĐV. Qua đây, tôi và chị em được trang bị kỹ năng cơ bản trong khởi nghiệp, giúp tìm được hướng đi vững chắc sau khi không còn thi đấu nữa. Theo tôi, người bình thường để có một công việc đã khó thì với người khuyết tật còn khó khăn hơn. Vậy nên, chương trình đã mang đến những tia sáng để những VĐV khuyết tật như tôi nhìn thấy được cơ hội kinh doanh, làm thêm, kiếm tiền".
Nữ VĐV điền kinh Phạm Thị Diễm chia sẻ: "Tôi đã xây dựng được ý tưởng khởi nghiệp của riêng mình và sẽ thực hiện trong thời gian tới. Hiện nay, tôi cần hỗ trợ về nguồn vốn, tư vấn pháp lý như cách đăng ký giấy phép kinh doanh, các thủ tục cần thiết. Thông qua chương trình, tôi có thêm động lực để đưa ý tưởng thành hiện thực và biết thêm nhiều đầu mối để nhờ giúp đỡ".
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nhận định, hàng năm tại Việt Nam có rất nhiều VĐV giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó rất nhiều người có những đóng góp đáng kể trong thành công chung của thể thao nước nhà. Theo báo cáo của ngành thể thao, chỉ có khoảng 15% - 20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc đã trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất với tấm bằng Đại học chuyên ngành thể thao sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 60%-70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng thể thao mà họ từng được huấn luyện.
Vậy nên, Hội LHPN Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông với mong muốn được đồng hành cùng chị em trong quá trình chuẩn bị cho tương lai thông qua việc cung cấp ý tưởng, kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp.
"Trong thời gian tới, Hội sẽ phối hợp để tổ chức các hoạt động tương tự nhằm hỗ trợ cho các nữ VĐV có thêm cơ hội, có thêm ý tưởng để ổn định cuộc sống. Chúng tôi cho rằng, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những lựa chọn tốt mà các chị em có thể nghĩ đến trong thời gian vẫn còn tham gia thi đấu. Chúng ta có lợi thế là được đi thi đấu trong nước và ngoài nước, là cơ hội để quan sát, học hỏi và có thêm ý tưởng để suy nghĩ về tương lai của mình", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn