|
Ba thẩm phán liên bang: (từ trái sang): Richard Clifton., William Canby và Michelle Friedland |
Tại Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực 9, 3 thẩm phán liên bang nghe tranh luận gồm bà Michelle Friedland - người chủ trì, William Canby và Richard Clifton. Bên cạnh đó, còn có Noah Purcell, luật sư bang Washington, đại diện cho 2 bang Washington và Minnesota phản đối sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Trump và cố vấn đặc biệt August Flentje đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ. Câu hỏi trung tâm trong buổi điều trần là thẩm phán liên bang James Robart, ở Seattle (bang Washington) có lạm quyền hay không khi phán quyết yêu cầu hoãn thi hành sắc lệnh di trú mới trên phạm vi toàn quốc.
|
Cố vấn đặc biệt August Flentje đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ |
Tại phiên điều trần hôm 7/2, luật sư August Flentje vẫn cho rằng, lệnh cấm là một “sự tạm dừng” đối với các công dân tới từ những quốc gia có “mối đe dọa đặc biệt”. Ông Flentje cũng nhấn mạnh, 7 quốc gia trên đã có “sự hiện diện khủng bố đáng kể” hoặc là “nơi trú ẩn an toàn của chủ nghĩa khủng bố”. Theo luật sư này, hành động của Tổng thống Trump là phù hợp với hiến pháp. Trong khi đó, hai bang Washington và Minnesota trong văn bản dài 28 trang đã đưa ra 5 lập luận chính, khẳng định quyết định đình chỉ thực thi của thẩm phán Robart là hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của ông này.
|
Luật sư Noah Purcell đại diện cho 2 bang Washington và Minnesota |
Ông Noah Purcell - đại diện cho hai bang Washington và Minnesota, đề nghị tòa bác kiến nghị từ Bộ Tư pháp. Ông còn nêu ra những tổn hại không thể khắc phục khi thực hiện lệnh cấm như gia đình bị chia tách, những người thường trú không thể ra nước ngoài, thiệt hại doanh thu thuế. Liên quan đến câu hỏi của thẩm phán Richard Clifton về luật hạn chế nhập cư có phân biệt đối xử với người Hồi giáo hay không, ông Noah Purcell nói rằng đã có nhiều bằng chứng về ý định phân biệt đối xử trong trường hợp này. Luật sư này cảnh báo tân Tổng thống Mỹ đang đưa đất nước trở lại tình trạng “hỗn loạn”.
Trước lập luận của hai bên, Thẩm phán Michelle Friedland, người được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Barack Obama, đặt câu hỏi: “Chính quyền có bằng chứng xác thực nào để chắc chắn rằng những quốc gia bị hạn chế này có quan hệ với bọn khủng bố hay không?”. Bà Friedland cho rằng, nếu sắc lệnh của ông Trump vi phạm quy định của Hiến pháp về cấm phân biệt tôn giáo, tòa hoàn toàn có thể ngăn chặn lệnh này.
|
Nữ thẩm phán Michelle Friedland ra phán quyết tiếp tục đình chỉ sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump |
Sau trao đổi và thống nhất của các vị thẩm phán, sáng 10/2, Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực 9 đã ra phán quyết về việc giữ nguyên kết quả mà toà án liên bang ở Seattle đã đưa ra hồi tuần trước. Theo phán quyết của tòa, Chính phủ Mỹ đã không được ra được bất kỳ lý do an ninh nào để biện minh cho sắc lệnh của ông Trump. Như vậy, đề nghị khôi phục lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bị bác bỏ và công dân từ 7 nước Hồi giáo lớn vẫn có thể đến Mỹ trong thời gian này.