Tiết Bạch lộ năm 2023 bắt đầu vào ngày 8/9, cũng là tiết khí thứ ba của mùa Thu. Nhiệt độ lúc này giảm dần, thời tiết hanh khô hơn, hơi nước trong không khí thường ngưng tụ thành những giọt sương. Nhiệt độ trong thời gian này cũng chênh lệch nhiều giữa buổi sáng và buổi tối. Mùa Thu khô hanh nên chế độ ăn uống và giữ gìn sức khỏe đặc biệt quan trọng.
Bởi vậy, chế độ ăn uống lúc này cần điều chỉnh để tăng cường sức đề kháng cũng như chống khô da. Sau đây là 3 loại thực phẩm "bảo bối" bạn nên thường xuyên bổ sung trong bữa ăn hàng ngày để tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể trong mùa Thu.
Mùa thu đến là lúc hạt dẻ được bày bán ngày càng nhiều. Ăn hạt dẻ không chỉ giúp bồi bổ lá lách, dạ dày mà còn nhiều vitamin giúp tăng sức đề kháng của cơ thể. Hạt dẻ làm được nhiều món ngon, chẳng hạn làm bánh, hầm canh hay nấu cháo đều dễ ăn và hương vị thơm ngon.
Món ngon gợi ý: Canh gà hạt dẻ
Nguyên liệu cần thiết thực hiện món canh gà hạt dẻ gồm 200g hạt dẻ, 400g thịt gà, 1 nhánh gừng thái lát, 4 quả táo đỏ.
Bước 1: Hạt dẻ mang ngâm nước sau đó gọt vỏ ngoài, tách lấy phần cùi bên trong.
Bước 2: Gà mang chặt thành từng miếng nhỏ. Cho gà vào nồi nước lạnh thêm 3 lát gừng, đun sôi đến khi phần bọt máu tiết ra hết thì vớt gà ra, rửa sạch.
Bước 3: Cho gà đã sơ chế cùng hạt dẻ vào nồi, thêm 2 lát gừng. Thêm nước, và 4 quả táo đỏ vào đun trên lửa lớn. Khi sôi, vặn lửa nhỏ đun khoảng 30 đến 45 phút là được. Sau đó, nêm nếm chút muối cho vừa miệng. Canh gà hạt dẻ đã sẵn sàng.
Tiết Bạch lộ đến cũng là mùa thu hoạch khoai lang. Khoai lúc này có dẻo ngọt, ngon hơn bình thường. Chính vì vậy, ăn khoai lang điều độ rất có lợi cho sức khỏe, giúp bổ tỳ ích vị, kích thích tiêu hóa.
Món ngon gợi ý: Bánh sữa chua khoai lang
Nguyên liệu cần thiết làm món bánh sữa chua khoai lang gồm 3 củ khoai lang ruột vàng, 2 quả trứng gà, 1 hộp sữa chua, 50g bột mì,
Bước 1: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành các miếng nhỏ và cho vào nồi hấp chín. Tiếp đó, cho khoai đã hấp chín vào bát lớn cùng 2 quả trứng gà, 1 hộp sữa chua, tạo thành hỗn hợp nhuyễn mịn.
Bước 2: Rây bột mì vào hỗn hợp khoai lang nhuyễn để trở thành hỗn hợp mịn. Đổ hỗn hợp vào khay có lót màng bọc thực phẩm. Hấp trong khoảng 20 phút. Sau đó, lấy bánh ra cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
Tiết Bạch lộ đến cũng là lúc thích hợp để tận dụng mè đen tăng sức đề kháng cho cơ thể. Mè (vừng) là nguyên liệu bổ dưỡng nên ăn thường xuyên vì chúng giàu chất sắt, vitamin E cùng các khoáng chất khác. Ăn mè có thể giúp làm ẩm ruột, giảm táo bón, dưỡng ẩm cho da khô.
Ngoài việc giàu axit béo không bão hòa, mè đen còn giàu chất chống oxy hóa có lợi ích quan trọng trong việc dưỡng da, giúp ích cho việc làm đẹp.
Món ngon gợi ý: Chè mè đen/ Cháo mè đen
Nguyên liệu cần thiết làm chè mè đen gồm 200g mè đen, 50g đường nâu (lượng đường điều chỉnh tùy ý thích), 1/2 thìa muối (nếu muốn nấu cháo mè đen).
Bước 1: Mè đen cho vào chảo rang chín ở lửa nhỏ, đến khi có mùi thơm là được. Không nên rang cháy quá. Cho mè đen vào máy xay, xay thành bột mịn.
Bước 2: Đổ mè đen đã xay vào nồi, chế thêm nước ấm từ từ vào, khuấy đều để mè không bị vón cục. Cho đường vào. Đun trên lửa vừa và nhỏ, khuấy liên tục cho đến khi hỗn hợp đặc và mịn hơn. Tương tự, nếu như nấu cháo mè đen, bạn thay đường thành muối là được.
Ngoài ra, các thực phẩm khác cũng rất bổ dưỡng thích hợp để tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa Thu là lạc (đậu phộng), củ từ, củ mài, nấm tuyết,... Bạn có thể linh hoạt thay đổi thực đơn trong bữa cơm, vừa tạo sự ngon miệng lại giúp bổ sung dinh dưỡng kịp thời.
Chúc các bạn thực hiện thành công!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn