Trẻ nhỏ thường rủ nhau ra sông, suối tắm có thể dẫn tới bị đuối nước
"Xuất phát từ quá trình đi địa bàn, tôi nhận thấy sông, suối ở vùng cao thường không sâu, nhưng nước luôn chảy xiết và thường có những vũng xoáy rất nguy hiểm. Với tâm lý hiếu động, thích nô đùa nên vào kỳ nghỉ hè, nhiều trẻ nhỏ thường rủ nhau ra sông, suối tắm. Đó là nguyên nhân có thể dẫn tới trẻ bị đuối nước. Vì vậy, tôi đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn tổ chức các buổi học bơi cho các cháu nhỏ vào dịp nghỉ hè này" - thiếu tá Mai Chí Thức, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Na Mèo, huyện Quan Sơn, BĐBP tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Nội dung lớp học bơi có 4 phần, đó là giới thiệu động tác bơi ếch; thực hành luyện tập bơi ếch trên cạn; làm quen với nước và thực hành luyện tập dưới nước cùng một số trường hợp khó khăn khi gặp phải dưới nước; phần cuối của tiết học, các cháu nhỏ sẽ được học cách sơ, cứu chữa người bị đuối nước.
Ngày cuối tuần nào cũng vậy, người dân ở khu vực gần homestay Mường Xia, thuộc địa bàn xã Na Mèo cũng chứng kiến cảnh náo nhiệt, tiếng nô đùa thoả thích của các em nhỏ đến với "Tiết học biên cương" do cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng CKQT Na Mèo tổ chức để được học bơi, được vui đùa.
Nằm trong chương trình "Tiết học biên cương" - lớp học bơi cho các em nhỏ ở xã biên giới Na Mèo được bắt đầu từ tháng 5 năm 2023. "Vì điều kiện đơn vị không có bể bơi, nên Đồn đã phối hợp với Homestay Mường Xia, nơi có bể bơi đạt tiêu chuẩn để tổ chức dạy bơi cho các cháu 1 tuần/buổi. Khi các cháu đến học bơi đều được đơn vị hỗ trợ áo phao. Mỗi buổi sẽ có ít nhất 3 cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia. Thời gian dạy bơi khoảng từ 1 đến 3 giờ đồng hồ và kéo dài trong 2 tháng hè" - thiếu tá Mai Chí Thức cho biết.
Gần 2 tháng hè học bơi, gương mặt 2 cô bé người dân tộc Thái là Hà Thị Kiều Trinh và Phạm Thị Ngọc Ánh, ở bản Na Mèo, có phần đen nhẻm đi. Vặn đuôi tóc ướt rượt cột chặt phía sau lưng để vắt bớt nước, 2 cô bé dùng đuôi tóc vẩy nước đùa nghịch nhau trong giờ giải lao khiến không khí ở bể bơi thêm náo nhiệt. "Con lúc đầu cũng sợ nước lắm, con không dám đi học bơi, nhưng nghe các chú biên phòng bảo dạy bơi để phòng đuối nước, con cùng các bạn đi học. Đến giờ con cũng biết bơi rồi, lại được vui chơi thoải mái cùng các bạn. Bây giờ con rất thích bơi, con không thấy sợ nước nữa" - cô bé Hà Thị Kiều Trinh vui vẻ khoe.
Đến từng nhà vận động các cháu nhỏ đi học bơi
Thực tế những năm qua, đa phần các trận lũ quét, lũ ống đều xảy ra ở vùng núi cao, dẫn đến các tai nạn rất thương tâm ở các cháu nhỏ, đặc biệt trong trận lũ lịch sử vào tháng 8 năm 2019 ở bản Sa Ná, xã Na Mèo đã làm 10 người chết. Hơn nữa, do điều kiện ở miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các cháu nhỏ không được tham ra các khoá học bơi ở trường, vì vậy Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo nhận thấy việc đưa chương trình học bơi vào "Tiết học biên cương" có nội dung dạy bơi cho trẻ em vào kỳ nghỉ hè là rất cần thiết và bổ ích.
Dù vậy, sau khi Đồn biên phòng thông báo trên loa phát thanh tại các thôn bản về lớp học bơi tại "Tiết học biên cương", các cán bộ, chiến sĩ Đồn còn phải chia nhau đến từng điểm dân cư, từng gia đình để vận động cho các cháu nhỏ đến học bơi.
"Lớp học bơi của chúng tôi lúc đông nhất có 30 cháu nhỏ. Tuy nhiên, cái khó khi chúng tôi mở lớp học bơi trong kỳ nghỉ hè là do đa số hoàn cảnh các cháu là con em dân tộc trên địa bàn đều thuộc diện khó khăn. Khác với ở miền xuôi hay thành phố, trẻ em được vui chơi trong kỳ nghỉ hè, thì trẻ ở các thôn bản xã Na Mèo hầu hết phải đi rừng kiếm măng nứa để phụ giúp thu nhập cho gia đình. Vì vậy, việc cán bộ biên phòng của Đồn vận động các cháu đi học lớp bơi cũng khá khó khăn, thậm chí có gia đình, cán bộ biên phòng phải mất nhiều ngày thuyết phục phụ huynh, các cháu mới được đi học bơi" - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo chia sẻ.
Cậu bé Vi Tuấn Hào, SN 2013, dân tộc Thái ở bản Na Mèo, xã Na Mèo là một trong số trường hợp mà cán bộ biên phòng phải đến nhà vận động nhiều ngày mới được gia đình cho đi học bơi.
Cậu bé Hào mồ côi cha từ nhỏ, kể từ khi người cha là lao động chính trong gia đình mất đi, hoàn cảnh gia đình bé Hào càng khó khăn hơn. Ngoài giờ đi học hoặc ngày nghỉ, nhất là dịp nghỉ hè, cậu bé Hào thường phải cùng mẹ lên rừng kiếm măng nứa về bán lấy tiền sinh sống. Để Vi Tuấn Hào được tham gia "Tiết học biên cương", cán bộ của Đồn biên phòng CKQT Na Mèo đã dành nhiều thời gian thuyết phục gia đình, Hào mới được đi học bơi.
"Đến nay, cậu bé Vi Tuấn Hào là một trong những học sinh bơi rất khá của lớp học. Cậu bé cũng vô cùng nỗ lực, chăm chỉ trong mỗi giờ luyện bơi. Chúng tôi rất vui khi có thể trang bị thêm kỹ năng sống quan trọng này cho cậu bé Hào, cũng như các cháu nhỏ trong dịp nghỉ hè" - thiếu tá Mai Chí Thức bày tỏ.
Theo Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, qua "Tiết học biên cương", đơn vị mong muốn tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng và thực hiện các quy định an toàn, phòng tránh đuối nước cho các gia đình và trẻ em. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các em nhỏ tiếp cận với nhiều hình thức vui chơi giải trí an toàn, nhất là về những nguy hại đuối nước đối với trẻ em ở miền núi.
"Chúng tôi mong, các bậc phụ huynh cần khuyên răn con cháu mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được tự ý ra sông, suối, tắm, bơi lội. Không nên tắm ở những khu vực nước xoáy, nước sâu, nơi có biển cấm. Gia đình nào cũng cần dạy trẻ kỹ năng bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước… Có như vậy, mới đảm bảo an toàn cũng như để các em nhỏ ở địa bàn biên giới được hưởng trọn mùa hè vui chơi bổ ích và lành mạnh" - thiếu tá Mai Chí Thức chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn