Gia đình được cho là nền tảng, là yếu tố chính ảnh hưởng đến cách nhìn nhận vấn đề, thói quen của mỗi người. Đặc biệt trong câu chuyện tài chính, người trẻ hiện nay đã học hỏi rất nhiều từ những người thân thiết xung quanh. Đó có thể là các thói quen tốt cũng có thể là những điều cần thay đổi trong tương lai.
Hạnh Linh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) đã hình thành suy nghĩ phải tiết kiệm tiền ngay từ khi còn nhỏ. "Lúc còn học cấp 1, cấp 2 bố mẹ đã cho mình tiền mua đồ ăn vặt cũng như tự sắm đồ dùng học tập. Mỗi lần như vậy, bố mẹ thường bảo mình hãy cân nhắc mua sắm, dành lại một ít tiền để về bỏ lợn, sau này dùng số tiền đó mua đồ mình thích. Dần dần, mỗi lần đi mua đồ, mình sẽ tích được 2-3 nghìn tiền lẻ về đút lợn".
Lớn hơn, khi bắt đầu xa nhà đi học đại học, cô bạn được bố mẹ "khoán" cho một khoản tiền để tiêu hàng tháng. Gần như ở bất kỳ thời điểm nào, cô bạn cũng tìm cách để tích lũy tiền. Hạnh Linh đã mua máy tính cũng như điện thoại mới bằng số tiền tiết kiệm riêng mà không cần xin thêm tiền từ gia đình.
Sau này, khi đi làm, gia đình Hạnh Linh luôn nhắc nhở cô bạn về tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội cũng như tích lũy để nghỉ hưu. "Ông bà mình đều có thời gian hưu trí khá thoải mái bởi vì có khoản lương hưu hàng tháng cũng như số tiền tích luỹ trước đó. Ông bà không cần đến sự hỗ trợ từ con cháu, trên thực tế đôi khi về quê mình còn được ông bà cho tiền tiêu vặt. Mình cũng muốn có một cuộc sống thoải mái như vậy khi về già nên đã suy nghĩ tiết kiệm nghỉ hưu từ bây giờ".
Từ khi còn nhỏ, Hạnh Linh đã được chỉ dạy rằng bản thân phải nỗ lực học tập, làm việc chăm chỉ để hướng đến độc lập tài chính. Khi có tiền trong túi, rủng rỉnh trên khía cạnh tài chính, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn. Chuẩn bị trước cho tương lai, tích lũy tiền bạc cũng là cách để tránh những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra. "Mẹ luôn bảo với mình rằng có những lúc nếu không có tiền thì sẽ chẳng làm gì được chẳng hạn như ốm đau, hay muốn giúp đỡ gia đình. Không nhất thiết cả cuộc đời phải sống vì tiền, nhưng nếu có tài chính ổn định, mình sẽ tránh được những rắc rối. Mình cũng sẽ tự tin hơn và có tâm thế sẵn sàng với các cơ hội trong tương lai".
Ngọc Khánh (29 tuổi, nhân viên văn phòng) từng có lối sống tài chính khác biệt hoàn toàn so với Hạnh Linh, cô bạn là người có bao nhiêu tiền sẽ tiêu hết sạch. "Gia đình mình không khá giả, bố mẹ là công nhân viên chức bình thường. Lương của bố mẹ chỉ đủ để chi trả cho những nhu cầu cơ bản cho 3 chị em mình nên gần như bố mẹ chưa bao giờ nhắc đến chuyện tích luỹ tiền. Vì không biết đến khái niệm tiết kiệm từ bé, cho nên sau này khi bắt đầu đi làm kiếm tiền dù lương khá cao mình cũng không nghĩ đến chuyện tích luỹ".
Cô bạn đã từng trải qua một thời gian có bao nhiêu tiền sẽ "đổ" vào mua quần áo, mỹ phẩm hay đi du lịch. Mặc dù không phải vay nợ để tiêu dùng hàng ngày, cô bạn cũng chẳng thể tiết kiệm được đồng nào. Ngọc Khánh chia sẻ rằng bởi vì bố mẹ vẫn sống khá ổn khi có đồng nào tiêu đồng đó nên cô bạn nghĩ điều này không có gì tệ.
"Mình giữ suy nghĩ này cho đến khi mình bị ốm cần đi bệnh viện và chẳng có đồng tiết kiệm nào, cần phải đi vay mượn bạn bè". Ngọc Khánh đã từng phải nằm viện một tuần, mặc dù bảo hiểm y tế đã chi trả phần lớn chi phí nhưng cô vẫn có những khoản chi ngoài. Dù chỉ khoảng 7-8 triệu đồng, vì cô bạn chưa từng có tiền tiết kiệm nên khi cần số tiền đó gấp, Ngọc Khánh đã phải đi vay mượn bạn bè và người thân.
"Dần dần mình hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm và chuẩn bị tiền bạc. Mình nghĩ rằng thời trước, bố mẹ có thể sống đến ngày nào biết ngày đó trên khía cạnh tài chính. Song, trong cuộc sống hiện tại điều này đã không còn đúng". Cô bạn cũng đã học hỏi bạn bè bắt đầu mở sổ tiết kiệm, hàng tháng sau khi nhận lương đều gửi tiết kiệm. Ngoài ra, Ngọc Khánh cũng tích lũy bằng vàng để đa dạng danh mục cá nhân.
"Mình nghĩ rằng gia đình là những người đầu tiên cũng như có ảnh hưởng khá lớn đến cách bản thân dùng tiền. Tuy nhiên, thời đại đổi thay, nền kinh tế phát triển, có những thói quen tài chính của bố mẹ đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại. Mỗi người cần thay đổi, học những điều mới đặc biệt là trong câu chuyện tài chính để tránh những rủi ro không đáng có".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn