Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), tại Hội thảo kết thúc Chương trình Nhượng quyền xã hội y tế tư nhân BlueStar- Ngôi Sao Xanh do tổ chức phi Chính phủ Marie Stopes Việt Nam tổ chức ngày 14/11/2020 tại Đà Lạt.
Theo báo cáo, từ năm 2008 đến nay, Marie Stopes Việt Nam đã phối hợp với Sở Y tế tại các địa phương triển khai chương trình Nhượng quyền xã hội (NQXH) Y tế tư nhân BlueStar - Ngôi Sao Xanh trên 7 tỉnh thành trên cả nước. Mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực cho các phòng khám tư nhân để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình chất lượng thông qua các khóa đào tạo, hỗ trợ và giám sát chất lượng dịch vụ. Từ đó, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng một cách dễ dàng với giá cả phù hợp với đối tượng có thu nhập vừa và thấp.
Đến nay, đã có 300 phòng khám tư nhân trên khắp cả nước tham gia chương trình, phục vụ hơn 10 triệu khách hàng. Trong đó, có 3 triệu khách hàng nhận dịch vụ kế hoạch gia đình; giúp ngăn ngừa hơn 420.000 ca phá thai, 700.000 ca mang thai ngoài ý muốn; và giúp tiết kiệm hơn gần 30 triệu bảng Anh (gần 1.000 tỷ đồng) cho ngân sách y tế của quốc gia. Theo đánh giá, chất lượng dịch vụ các phòng khám cũng đã được cải thiện, từ 45% (năm 2008) và hiện nay là 96%.
Ngoài ra, các thành viên mạng lưới thường xuyên được các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế giám sát hỗ trợ, đảm bảo kỹ thuật cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng của MSI toàn cầu. Các thành viên trong mạng lưới cũng được đi giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các phòng khám Marie Stopes trong nước và nước ngoài nhằm đảm bảo dịch vụ của các phòng khám luôn đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng do tổ chức Marie Stopes Quốc tế đề ra.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện tổ chức Marie Stopes Việt Nam, cho biết, thành công lớn nhất của mô hình Nhượng quyền xã hội BlueStar là đã can thiệp trực tiếp để giải quyết vấn đề cải thiện sức khỏe cho cộng đồng bằng cách tập hợp lại và chuẩn hóa mạng lưới hệ thống y tế tư nhân, định nghĩa lại và đưa ra các chuẩn cung ứng dịch vụ. Hơn nữa, chương trình còn hỗ trợ can thiệp thay đổi hành vi của người cung cấp dịch vụ, lấy tiêu chí khách hàng làm trọng tâm. Từ đó giúp thu hút thêm khách hàng sử dụng dịch vụ, cải thiện đủ các tiêu chí về mảng cung và mảng cầu cho các phòng khám tham gia chương trình.
Ngoài ra, chương trình BlueStar cũng thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người dân. Đặc biệt là các đối tượng có nhu cầu cao nhưng chưa được đáp ứng, như chị em phụ nữ công nhân tại các khu công nghiệp, và đối tượng học sinh, sinh viên. Chương trình cũng cung cấp dịch vụ lưu động miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như phụ nữ tại các vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, công nhân các khu công nghiệp,…
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, sau 12 năm hoạt động, Bộ nhận thấy các phòng khám trong mạng lưới đã làm rất tốt nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, các phòng khám đã làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người dân Việt Nam, giúp tiết kiệm gần 30 triệu bảng Anh. Đây là thành tích đáng tự hào và Bộ Y tế đánh giá rất cao. Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về tai biến, sai phạm của các phòng khám trong mạng lưới. "Quan điểm của Bộ Y tế là không phân biệt y tế công và y tế tư nhân, nếu loại hình nào hoạt động chất lượng, được nhân dân tin cậy Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển", ông Vinh khẳng định.
Theo ông Vinh, đây là mô hình đáng nhân rộng trong việc kết hợp y tế công và y tế tư nhân cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn