Với tựa đề "Nụ cười của Caterina, mẹ của Leonardo", cuốn sách được lấy cảm hứng từ một khám phá mà Carlo Vecce - giáo sư tại Đại học Naples và là chuyên gia về các hoạ sĩ lớn của châu Âu đã thực hiện tại Cục Lưu trữ Quốc gia ở Florence vào năm 2019 trong lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh hoạ vĩ đại Leonardo da Vinci.
Ở đó, giáo sư Carlo Vecce tình cờ xem được một tài liệu có niên đại năm 1452 và được ký bởi một người đàn ông được biết là cha của chủ nhân.
Theo đó, tài liệu này đã giải phóng một nô lệ tên là Caterina khỏi tình nhân của cô ta, Monna Ginevra. Đó cũng là khoảng thời gian là một vài tháng sau khi Leonardo được sinh ra, và sự thật là cha của Leonardo đã ký vào đó khiến giáo sư Vacce tin rằng người phụ nữ này là mẹ của Leonardo.
Chia sẻ với CNN, giáo sư Vecce cho biết: "Tôi phát hiện ra tài liệu về một nô lệ tên là Caterina cách đây 5 năm và nó trở thành nỗi ám ảnh đối với tôi. Sau đó, tôi đã tìm kiếm và phát hiện ra các tài liệu có liên quan. Cuối cùng, tôi đã có thể tìm thấy manh mối cho những giả thuyết có thể xảy ra nhất. Chúng tôi không thể nói điều đó là chắc chắn, chúng tôi muốn tìm kiếm chân tướng và đây là giả thuyết rõ ràng nhất."
Tài liệu mô tả nô lệ được trả tự do sinh ra ở khu vực Caucasus ở Trung Á và bị buôn bán sang Ý.
Giáo sư Vecce sẽ tiếp tục nghiên cứu những bằng chứng mà ông có được ở Mátxcơva, nơi ông tự tin rằng có thể tìm thấy nhiều tài liệu hơn nữa về việc buôn bán nô lệ ở Italia và cuộc đời của Caterina. Nhưng đại dịch COVID-19 đã cản trở hành trình tìm ra sự thật của ông, thay vào đó, ông lại trở nên "ám ảnh" với câu chuyện.
"Tôi càng phát hiện ra nhiều manh mối, câu chuyện lại càng có lý. Câu chuyện về một nô lệ bị bắt cóc năm 13 tuổi và được trả tự do ở tuổi 25, một năm sau khi Leonardo được sinh ra. Những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời cô ấy lại trở thành những ngày tháng cùng cực nhất của một nô lệ", giáo sư Vecce nói.
Tuy nhiên, giả thuyết của giáo sư Vecce cũng gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Nhà sử học Paolo Galluzzi và là thành viên của Học viện Khoa học Lincei ở Rome, nói rằng giả thuyết của giáo sư Vecce là "cực kỳ hợp lý". Tuy nhiên, ông cũng cho biết, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được điều này "Chúng tôi không có DNA của Leonardo, mẹ hoặc cha của anh ấy".
Còn với Martin Kemp, một học giả hàng đầu về Leonardo da Vinci và là giáo sư danh dự về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Oxford (Anh) lại tỏ ra thận trọng hơn về giả thuyết của Vecce.
Trong một tuyên bố gửi cho CNN qua email, Kemp mô tả Vecce là một "học giả giỏi", nhưng nhận định thêm: "Thật ngạc nhiên khi anh ấy công bố các tài liệu về một nhân vật hư cấu".
Ông cho rằng: "Đã có một số tuyên bố mẹ của Leonardo là nô lệ. Điều này phù hợp với nhu cầu tìm kiếm điều gì đó đặc biệt và kỳ lạ trong lai lịch của Leonardo, đồng thời mối liên hệ với chế độ nô lệ cũng phù hợp với sự quan tâm hiện tại".
Kemp giải thích Caterina là tên gọi chung của những nô lệ đã cải đạo sang Cơ đốc giáo. Ông chỉ ra rằng thương nhân Francesco del Giocondo - người đặt vẽ bức chân dung của vợ mình sau này là kiệt tác Mona Lisa - từng buôn bán nô lệ. Theo ghi chép lịch sử, ông này đã trao đổi hai bức Caterina trong một năm.
Bất kể sự thật về danh tính mẹ thiên tài hội hoạ Leonardo là ai, giáo sư Vecce tin rằng công trình nghiên cứu về cuộc đời Leonardo da Vinci sẽ phản ánh mối quan hệ của danh hoạ với mẹ mình.
"Ý tưởng về người mẹ vẫn ở trong tim ông ấy suốt cuộc đời. Caterina là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời Leonardo da Vinci và ông ấy yêu nụ cười của Caterina" - giáo sư Vecce chia sẻ.
Leonardo sinh ngày 15 tháng 4 năm 1452 tại Anchiano, một ngôi làng gần thị trấn Vinci của vùng Tuscan, cách Florence khoảng 25 dặm về phía tây. Tên khai sinh đầy đủ của ông là Leonardo di ser Piero da Vinci, có nghĩa là "Leonardo, con trai của Piero, đến từ Vinci."
Leonardo da Vinci là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh và nhà triết học tự nhiên. Ông được coi là thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại. Ông là tác giả của những bức hoạ nổi tiếng như Mona Lisa, Bữa ăn tối cuối cùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn