Tiết lộ thú vị về chuyện tình trong phim 'Bên dòng Păng Pơi'

06:00 | 02/03/2019;
Trong cuốn truyện cũng như bộ phim ‘Bên dòng Păng Pơi’ về cuộc đời của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ đều nhắc đến mối tình của người chiến sĩ biên phòng với cô gái Hà Nhì Chu Chà Me. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn giống như những thước phim, trang sách kể lại...

“Bên dòng Păng Pơi” là bộ phim do Trung tá - NSƯT Phạm Lê Nam đạo diễn, chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Trần Hữu Tòng.


Bộ phim này đã được chính nhà văn Trần Hữu Tòng và gia đình đầu tư kinh phí sản xuất và trao tặng cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bội đội Biên phòng Việt Nam (3/3/1959 - 3/3/2019).


Nhân dịp phim “Bên dòng Păng Pơi” được ra mắt và công chiếu rộng rãi, nhà văn Trần Hữu Tòng cũng như ê kíp làm phim đã chia sẻ nhiều điều thú vị xoay quanh quá trình viết sách, làm phim về cuộc đời Anh hùng Trần Văn Thọ.

 

“Bên dòng Păng Pơi” là tác phẩm kể về Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ - tấm gương ưu tú đầu tiên của lực lượng Bộ đội Biên phòng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người đã dày công vận động đồng bào dân tộc vùng ngã ba biên giới Điện Biên tiêu trừ thổ phỉ, định canh định cư, từ bỏ trồng cây thuốc phiện, học văn hóa, xây dựng chính quyền cơ sở...

tran-van-tho-3.jpg
Cảnh trong phim "Bên dòng Păng Pơi" 
 

Nhà văn suýt chết vì sốt rét như nhân vật


Nhà văn Trần Hữu Tòng cho biết, cơ duyên khiến ông có những tác phẩm về Anh hùng Trần Văn Thọ trước hết là bởi ông cũng là một chiến sĩ biên phòng. Năm 17 tuổi, ông đã là người lính gác ở trạm biên phòng Nước Sốt (Hà Tĩnh). Năm 1963, khi đã trở thành phóng viên báo Công an Vũ trang (nay là báo Biên phòng), ông đã được phân công lên vùng núi biên giới tìm tài liệu dựng lại hình ảnh liệt sĩ Trần Văn Thọ ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (tỉnh Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên).


Nhà văn Trần Hữu Tòng đã lên sống với Tổ xây dựng cơ sở của đồn Biên phòng và bà con bản Hà Nhì tại vùng đất này. Ông đã vào rừng và tận mắt nhìn những hang ổ của lũ thổ phỉ, tiếp xúc với những người bị bọn phỉ lửa phỉnh, ép buộc đi theo và nay trở về, đã ra những lũng núi nơi anh Thọ cùng với dân phát cây làm ruộng, hướng dẫn dân cày bừa làm hai vụ lúa, đã tận mắt nhìn thấy những đóng bàn đèn, tẩu hút thuốc phiện dân đập phá vứt ở chân núi...

 

Lên biên giới được 3 tháng, Trần Hữu Tòng bị sốt rét ác tính rất nặng. Cấp trên cho về xuôi chữa chạy nhưng lúc đó sức ông quá yếu, sợ không thể về nổi. Có một điều là liệt sĩ Trần Văn Thọ - nhân vật mà nhà báo Trần Hữu Tòng đang thu thập tư liệu để viết lại – cũng đã bị bệnh sốt rét quật ngã. Lúc đó, cả cấp trên lẫn Trần Hữu Tòng đều xác định có thể ông sẽ không qua khỏi nhưng vẫn cố gắng để đưa ông về xuôi, có mệnh hệ gì thì lo hậu sự ở dưới xuôi. “Thật may mắn là tôi được Quân y viện chữa khỏi và tôi bắt đầu viết về anh Thọ”, nhà văn kể.


Bài báo đầu tiên mà Trần Hữu Tòng viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ có tựa đề “Người lính biên phòng trọn đời trung với Đảng, hiếu với dân” in trên báo Quân đội Nhân dân năm 1965 và được Bác Hồ gửi lời khen. Sau đó, cuốn sách “Trung với Đảng, hiếu với dân” của ông được NXB Quân đội Nhân dân in với gần 3 vạn cuốn, được cấp phát trong ba lô quân trang cho các chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam.


Đến năm 1972, ông viết cuốn “Bên dòng Păng Pơi” tạo dựng lại đầy đủ hơn những năm tháng anh Thọ sống với bà con dân bản. Và nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bội đội Biên phòng Việt Nam, các con của ông đã quyết định tài trợ kinh phí để thực hiện bộ phim cùng tên chuyển thể từ cuốn truyện. “Cuộc đời tôi mang ơn lực lượng biên phòng và tôi hạnh phúc vì các con đã giúp tôi phần nào trả nghĩa cho đồng đội, biên cương”, nhà văn Trần Hữu Tòng xúc động nói.

nv-huu-tong-5.jpg
Nhà văn Trần Hữu Tòng cùng diễn viên Phương Anh gặp gỡ bà Chu Chà Me ngoài đời trên con đường mang tên Anh hùng Trần Văn Thọ 
 

Sự thật về mối tình của Trần Văn Thọ trong phim


Đọc truyện “Bên dòng Păng Pơi” của nhà văn Trần Hữu Tòng cũng như xem bộ phim cùng tên do đạo diễn Phạm Lê Nam thực hiện, hẳn khó ai quên được tình cảm trong sáng, e ấp giữa anh Trần Văn Thọ và cô gái Hà Nhì Chu Chà Me. Đặc biệt, trong phim, những khuôn hình tuyệt đẹp của đôi trẻ bên dòng Păng Pơi, giữa đại ngàn với những lời thủ thỉ, ánh mắt quấn quýt... khiến khán giả đinh ninh rằng có một chuyện tình đẹp.


Nhưng có một sự thực là tình cảm giữa cô gái Chu Chà Me và anh Nguyễn Văn Thọ ngoài đời lại không sâu đậm như trong truyện hay trên phim. “Tôi cố ý đẩy câu chuyện tình cảm giữa Chu Chà Me và anh Thọ lên một chút để bộ phim thêm phần lôi cuốn, thi vị. Chu Chà Me đi học xa nhà sớm, tình cảm với anh Thọ ngoài đời không hẳn như trên phim”, đạo diễn Phạm Lê Nam cho biết.

Dù không gắn bó với anh Thọ bằng tình cảm nam nữ nhưng với Chu Chà Me, anh cán bộ của “A tê Hồ” (cách gọi bộ đội cụ Hồ của người Hà Nhì) luôn là một tấm gương sáng để mình noi theo. Sau này, con gái bà Chu Chà Me là chị Chu Thùy Liên, một cán bộ nghiên cứu văn hóa ở Điện Biên, luôn nhắc tới Anh hùng Trần Văn Thọ bằng sự kính trọng, ngưỡng mộ và thương mến.

tran-van-tho.jpg
Diễn viên Hiếu Su vào vai anh Trần Văn Thọ 
 

Chu Chà Me trong phim là hàng xóm của Chu Chà Me ngoài đời


Hai diễn viên chính đóng Trần Văn Thọ và Chu Chà Me trong “Bên dòng Păng Pơi” đều là những gương mặt rất mới của làng nghệ thuật. Trong đó, Lê Nguyễn Phương Anh, người đóng vai Chu Chà Me, còn là diễn viên “tay ngang”. Phương Anh hiện đang là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Tài chính.


Nhưng dù là diễn viên không chuyên, Phương Anh vẫn vào vai cô gái Hà Nhì khá thuyết phục. Điều đó có lẽ bởi Phương Anh quê ở Điện Biên, nhà cô ở gần nhà bà Chu Chà Me và cô đã có dịp trực tiếp chuyện trò, hỏi han bà về quá khứ, trang phục, nếp sống, sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của người Hà Nhì hơn nửa thế kỷ trước.

5.jpg
Diễn viên Phương Anh vào vai Chu Chà Me trong phim 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn