“Thời điểm trước năm 29 tuổi, mình đã trải qua rất nhiều cột mốc tài chính trong cuộc đời. Bắt đầu trong ngành công nghệ thông tin từ 2015, khởi điểm mức lương chỉ vài triệu đồng/tháng khi mới ra trường. Rồi mức lương dần tăng lên theo năm tháng, có chút tiền tiết kiệm lại đổ vào đầu tư. Thất nghiệp, mất tiền. Hầu như có đủ cả. Có thời điểm 1 ngày chỉ được tiêu đúng 50 ngàn, 8h làm hành chính rồi về nhưng vẫn thấy vui. Những lúc đó, mình tự đặt ra câu hỏi: Liệu cả đời làm lụng vất vả như thế, bao nhiêu tiền mới là đủ?” Minh Nguyễn (1993, Hải Phòng, CNTT) đặt ra câu hỏi về chuyện kiếm bao nhiêu thì mới có thể dừng lại. Minh có đưa ra một số ví dụ cụ thể để giải thích thắc mắc của mình:
- Có người sống trong 1 ngôi nhà cấp 4, nhà tranh vách đất mưa gió quanh năm, luôn ao ước về một ngôi nhà hiện đại để an cư.
- Nhưng có người là 1 chủ doanh nghiệp, thu nhập hàng trăm triệu/tháng, nhà lầu xe hơi, lại có tư tưởng muốn tìm về chốn bình yên để sống?
Nhìn chung thì quá thiếu hoặc quá thừa sẽ không khiến bạn đo được “Bao nhiêu là đủ”. Cũng giống như tiền bạc. Tiền rất quan trọng, nó sẽ giúp cho cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn. Tiền là phương tiện để đổi lấy nhà cửa, xe cộ, đồ ăn, quần áo,... Minh Nguyễn chia sẻ thêm: “Với mình, chỉ cần có đủ tiền để đáp ứng được những nhu cầu mà mình muốn, điều đó sẽ khiến mình hạnh phúc.”
Là một người không cầu kỳ trong chuyện chi tiêu, mình sống khá thoải mái với mức lương hiện tại. Không giống như khoảng thời gian mất tiền do muốn ăn xổi, nghĩ lại không hiểu sao lại sống được với số tiền 50k/ngày. Mình rất thường xuyên theo dõi chi tiêu hàng tháng kể từ khi còn đi học, vậy nên có thể nói chuyện quản lý chi tiêu được mình làm khá chặt chẽ.
Cụ thể, mình luôn tính toán số tiền cần tiêu cho mỗi tháng bằng biểu đồ chi tiêu. Các khoản mục được vạch ra 1 cách rõ ràng: Chi tiêu bắt buộc - Chi tiêu nên có - Chi tiêu lãng phí - Tiết kiệm.
Trong đó:
- Chi tiêu bắt buộc: Mình luôn điền vào cột này những khoản chi để duy trì cuộc sống như ăn, ngủ, nghỉ, đi lại. Như mình thì mất khoảng 7 triệu/tháng để có cuộc sống ở mức trung bình (và mình vui vẻ với mức sống này). Cỡ đó hoặc hơn 1 chút nếu như tháng đó gặp bạn bè nhiều.
- Chi tiêu nên có: Đây là khoản tiền nếu chi tiêu sẽ khiến mình cảm thấy có lợi cho bản thân, như đầu tư vào các mối quan hệ, học guitar, đi du lịch. Cố định hàng tháng sẽ là 5 triệu/tháng. Riêng khoản này sẽ không thay đổi, ít nhất là với mức thu nhập hiện tại của mình.
- Chi tiêu lãng phí: Không hẳn là lãng phí, nhưng đây gần như là số tiền tiêu cũng được, mà không tiêu thì cũng chẳng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình. Ví dụ như mua sắm quần áo, xem phim, mua vui cho bản thân,... Con số này cũng cố định khoảng 3 triệu đồng/tháng không được phép xê dịch.
- Tiết kiệm: Riêng với mình, khoản nào có thể bỏ qua chứ “tiết kiệm” thì không thể. Mình luôn xác định dù không đầu tư nhưng tiết kiệm là điều chắc chắn. Rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào, vậy nên đây sẽ là khoản tiền cấp cứu bạn khi đó. Với mình, sau khi trải qua vài lần đầu tư thất bại, tầm quan trọng của việc tiết kiệm lại càng cao.
Tính theo bảng chi tiêu đó, thì 1 tháng mình cần khoảng 20 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu khiến bản thân thấy đủ và hạnh phúc. Thêm nữa, mình luôn có 1 danh sách các phương pháp để bảo đảm cho mục tiêu tài chính và tình huống bất ngờ xảy ra.
Nếu chi tiêu 1 tháng mất khoảng 20 triệu, thì luôn phải tìm cách rút ở đâu đó 20 triệu/tháng để tiêu cho đến khi già. Để đạt được điều này, mình có 1 kế hoạch tài chính cụ thể.
- Để tránh bản thân một ngày nào đó trở thành gánh nặng cho gia đình, mình mua bảo hiểm nhân thọ.
- Mình muốn có 1 chút tài sản để lại cho con cái sau này, mình áp dụng quy tắc 25/4 của tự do tài chính.
- Nếu mua nhà và vay nợ, mình sẽ tính toán và đảm bảo rằng tổng số tiền trả nợ và lãi hàng tháng không vượt qua 30% thu nhập mỗi tháng.
Và luôn đảm bảo quỹ dự phòng đủ dùng trong 6-12 tháng hoạt động (thất nghiệp chẳng hạn).
Như đã nói, mình áp dụng quy tắc tài chính 25/4. Tức là bạn cần sở hữu một danh mục đầu tư có giá trị gấp 25 lần chi tiêu 1 năm của bạn, ở trạng thái có lợi nhuận ổn định. Sau đó, bạn chỉ cần rút 4% trong danh mục này mỗi năm. Đây là số tiền đủ để bạn chi tiêu mà không làm hao hụt tổng số tiền đầu tư. Danh mục này sẽ liên tục sinh lãi hàng năm và làm gia tăng số vốn của bạn. Để làm được điều này, đòi hỏi nền tảng đầu tư của bạn phải thật vững chắc. Mình đã mất kha khá tiền cho các vụ đầu tư “ăn xổi”, thế nên về sau mình luôn nhìn vào các mục có thể đầu tư dài hạn.
Ví dụ nhỏ về quy tắc 25/4 này: Mình tiêu 20 triệu/tháng. Tức là mình cần có số tiền: 25x20=5 tỷ VND để đầu tư.
Giả sử bạn đem số tiền 5 tỷ đồng này để đầu tư vào 1 quỹ trái phiếu, có lợi nhuận kỳ vọng hàng năm vào khoảng 9%, trừ đi lạm phát trung bình, bạn còn lãi khoảng 5%. Vậy nếu rút 4% trong quỹ này để chi tiêu, bạn vẫn sẽ lãi 1%.
Về cơ bản đây chỉ là 1 con số có tính chính xác ở mức trung bình.
- Đầu tư vào trái phiếu: Lãi khoảng 9%, mỗi tháng đầu tư một khoản cố định trong vòng 20 năm. Danh mục này mình luôn luôn cập nhật, vì lãi trái phiếu không phải lúc nào cũng ở mức 9% được.
- Đầu tư vào các chỉ số cổ phiếu có khả năng tăng trưởng ổn định. Mình tham khảo danh mục này rất kỹ, lựa chọn dựa trên doanh nghiệp trong dài hạn, ít nhất là hơn 10 năm.
- Đầu tư vào vàng và bất động sản trong dài hạn: Lợi nhuận kỳ vọng có thể là mức 10-12%/năm.
Và cuối cùng, tự do tài chính với mình không phải là thoát ly hoàn toàn khỏi chuyện tiền bạc. Mà là sự thoải mái khi nhắc về chuyện hôm nay ăn gì, tiêu gì, chẳng cần nghĩ ngợi xem tiền ở đâu để chi trả. Cũng chẳng bao giờ mình nghĩ, kiếm đủ 5 tỷ là không đi làm nữa, điều này chẳng khả quan chút nào. Vì số tiền này chỉ đủ để mình chi trả cho mức sống bình thường, không đủ để chống chọi với với mọi sự cố tài chính trong cuộc đời. Không cần phải vạch ra 1 ranh giới rõ ràng về chuyện kiếm bao nhiêu, mà mình nghĩ cột mốc tự do tài chính là khi mình chuyển từ giai đoạn “làm bao nhiêu hưởng bất nhiêu” sang “làm ít hưởng nhiều”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn