Theo ghi nhận của báo Phụ Nữ Việt Nam, ngày 12-12, không khí tại chợ truyền thống Bình Tây (quận 6) ảm đạm. Ở đây, người bán nhiều hơn người tìm đến mua hàng. Các tiểu thương ngồi lướt điện thoại, trò chuyện với nhau để "giết thời gian".
Nhiều tiểu thương với gương mặt đăm chiêu vì không có hoặc ít khách ghé. Chị Tống Trang - một tiểu thương tại chợ Bình Tây cho biết: "Những năm trước dịch, khi dịp Tết cận kề thì tôi sẽ nhập thêm nhiều hàng về để bán. Tuy nhiên năm nay ế ẩm nên không dám nhập hàng mới về.
Khách vãng lai hay khách lấy sỉ hàng của tôi ở các tỉnh cũng rất ít. Bây giờ có những ngày mở cửa sạp nhưng không bán được gì. Ngày nào mà được khách mua lẻ ghé thì thu nhập cũng khoảng 300.000 - 400.000 ngàn đồng. Có hôm tôi chờ khách đến… ngủ gật. Một số tiểu thương do buôn bán ế ẩm quá nên đã quyết định đóng sạp để sang lại hoặc cho thuê cả năm nay".
Cách chợ Bình Tây khoảng 3km, không khí tại chợ An Đông (quận 5) có phần sôi động hơn. Các tiểu thương liên tục đóng hàng để bỏ sỉ đi khắp các tỉnh. Tuy nhiên vẫn có tình trạng tiểu thương ngồi lướt điện thoại, xem chương trình giải trí,… vì không có khách ghé. Tại khu vực tầng hai của khu chợ này, khoảng hơn 15 sạp đang đóng cửa, treo bảng sang sạp hoặc cho thuê.
Nhận thấy tình hình mua bán sau dịch Covid-19 ế ẩm, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (63 tuổi, tiểu thương chợ An Đông) đã học cách quay sản phẩm, đăng lên youtube để quảng bá cho cửa tiệm áo dài của mình trong thời gian này.
"Sức mua thời điểm cận Tết 2024 giảm hơn 50% so với thời điểm trước dịch. Nhiều khách ở xa có người cũng thắc mắc không biết sau dịch, cửa tiệm của tôi còn tồn tại không? Do đó, tôi nghĩ mình cần phải thay đổi cách để quảng bá cửa tiệm rộng rãi hơn.
Tôi bắt đầu học về cách quay, đăng clip lên youtube. Mỗi tuần tôi sẽ đăng từ 2-3 clip, hình ảnh trong clip là các nhân viên hoặc khách đến mua trực tiếp ướm thử đa dạng các mẫu áo dài lên người.
Sau một thời gian làm youtube, tôi nhận thấy sức mua khả quan hơn, nhiều khách biết đến tiệm nhờ những clip tôi đăng. Bên cạnh đó, tôi cũng niêm yết giá công khai để khách cảm thấy yên tâm, thoải mái khi xem hàng.
Do không quá rành công nghệ và với mặt hàng áo dài, khách đến tận nơi sẽ dễ tư vấn trực tiếp hơn nên tôi chưa bán online. Về lâu dài, tôi nghĩ các tiểu thương chợ truyền thống nên cập nhật, học hỏi thêm cách quảng bá, bán hàng trên nền tảng mạng xã hội để nhiều khách tiếp cận được với sản phẩm của mình", bà Thảo chia sẻ.
Đổi mới phương thức kinh doanh
Trao đổi với phóng viên báo PNVN, ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng Ban Quản lý chợ An Đông (BQL) cho biết, BQL đã làm nhiều cách để giúp các tiểu thương trong chợ đổi mới cách kinh doanh. Trong đó, BQL đã liên hệ với các nhà sáng tạo nội dung có lượt người theo dõi cao để làm các clip giới thiệu toàn cảnh, tổng quan những mặt hàng tại chợ An Đông.
Thông qua đó, BQL cũng kết nối các nhà sáng tạo này với các tiểu thương. Tiểu thương nào đồng ý thì nhà sáng tạo ấy sẽ đến quay clip giới thiệu sạp hàng, mặt hàng và đưa lên trang của họ. Ngoài ra, BQL còn tổ chức lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, livestream trên các nền tảng mạng xã hội… giúp cho việc buôn bán của tiểu thương thuận lợi hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn