Tiểu thương không dám gom hàng bán Tết

11:24 | 26/11/2021;
Mọi năm vào thời điểm này, bà con kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ đều tập trung tiền mặt để gom hàng. Tuy nhiên, năm nay, hoạt động đó khá vắng lặng.
Sức mua giảm mạnh

Luyến Nguyễn, chủ một tiệm quần áo tại Bình Dương cho biết, giờ này năm trước, cô và nhóm bạn kinh doanh trong lĩnh vực thời trang đã chuẩn bị vốn để gom hàng rồi. Nếu để sát Tết thì không có nhiều đồ đẹp, nên thời điểm này "ôm" hàng là phù hợp. Tuy nhiên, năm nay thì mọi thứ đều vô cùng trì trệ.

"Em không dám mạo hiểm trữ hàng nhiều để bán Tết. Từ lúc được mở cửa trở lại sau đợt dịch bùng phát, sức mua giảm tới 50-70%. Em bán đồ mặc ở nhà và nội y, là những đồ thiết thực với chị em phụ nữ, nhưng cũng không được như trước, giờ chỉ bán lai rai", Luyến cho biết.

Cũng may Luyến có nghề may đồ để kiếm thêm đồng ra đồng vào, nhưng thời điểm này, số lượng người may đồ cũng giảm hơn năm ngoái tới 50%. Các khách hàng của Luyến chia sẻ thay vì mọi khi mua cùng một lúc 5-6 món thì giờ chỉ mua khi thật sự cần thiết. Mọi người đều phải trang trải tiền nhà, lãi gốc ngân hàng, mà thu nhập lại giảm nên không thể mua sắm nhiều nữa.

"Số ít những người có sức mua mạnh nằm ở trong nhóm khách hàng kinh doanh bất động sản, những người dân có tiền dự trữ, còn công chức và công nhân thì em thấy họ đều thắt chặt chi tiêu", Luyến kể. Theo Luyến, cửa hàng của cô nằm gần khu công nghiệp, các doanh nghiệp có việc đều, có tăng ca nên vẫn đảm bảo thu nhập phần nào, nhưng họ vẫn tiết chế mua sắm. Ngày trước, cứ vào ngày 10 hàng tháng, là ngày công nhân được lĩnh lương, doanh thu của cửa hàng Luyến và các cửa hàng tương tự gần đó rất cao, giờ thì chỉ đủ để trang trải, đắp đổi qua ngày.

Cũng như tâm trạng của Luyến, anh Vinh – chủ cửa hàng kinh doanh các đồ chơi điện thoại trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 (TPHCM) cho biết được gia đình "bơm" thêm chút vốn nên ráng gồng buôn bán, nhưng năm nay không dám nhập nhiều hàng về như mấy năm trước.

"Nhiều người cùng kinh doanh mặt hàng như tôi tại các quận khác đã đóng lại gần hết. Tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên, hàng tồn chôn vốn nên nhiều người không thể cố gắng kéo dài cửa hàng mãi. Bạn hàng của tôi giờ chuyển đổi sang bán rau Đà Lạt, hoặc đồ ăn vặt. Có anh chẳng khi nào biết tới livestream, giờ cũng phải "lên sóng" hàng ngày, mà tình hình buôn bán cũng ế ẩm lắm", anh Vinh chia sẻ.

Là chủ một đại lý tạp hóa khá lớn tại Lâm Đồng, Thanh Hằng cho biết, năm nay cô không lấy nhiều các loại bánh kẹo, dầu ăn, đường, bột ngọt về để bán Tết, dù mọi năm nhu cầu này của người dân ở địa phương rất cao, phục vụ cho việc đi biếu tặng người thân, bạn bè. "Năm nay chắc là ai sẽ ở nhà nấy, ít giao tiếp, việc đi lại gặp gỡ sẽ bị hạn chế nhiều lắm, nên em không thể nhập hàng về nhiều được. Em chỉ dám nhập về các loại bánh kẹo có chất lượng nhưng mẫu mã không cầu kỳ, phục vụ nhu cầu trong gia đình và bày biện cúng tổ tiên. Và các mặt hàng này đều nhập chỉ gần bằng 50% mọi năm", Hằng cho biết.

Người kinh doanh mang nhiều nỗi lo

Luyến Nguyễn cho biết, tâm lý của người kinh doanh như cô hiện nay rất dè chừng, lo lắng vì không biết khi nào thì dịch bùng phát trở lại, và cũng không rõ có tiếp tục giãn cách như trước đây hay không. Nếu có gì xui rủi thì "ôm" hàng về mà bị đóng cửa do giãn cách thì tồn hàng, đọng vốn vô cùng, không biết làm sao mà xoay xở.

"Thời trang là mặt hàng theo thời vụ, xu hướng. Cứ qua mốt là lại phải xả hàng. Lúc trước, tụi em kinh doanh lập kế hoạch dài hơi, mà bây giờ thì chỉ dám tính theo tuần. Ví dụ thực tế như chính quyền TPHCM cho mở các ngành spa, karaoke, vũ trường có 2 ngày, nhưng vì dịch bệnh tăng nên lại phải đóng lại ngay. Dân kinh doanh như tụi em đang rất lo, liệu mình có nằm trong các ngành nghề không thiết thực, lại bị đóng cửa tiếp hay không?", Luyến đưa ra các thắc mắc, lo lắng.

Anh Vinh cũng cho biết sở dĩ thời điểm này ngành nghề kinh doanh của anh không dám nhập hàng, vì chưa rõ "năm nay có Tết hay không". "Tôi không biết bán online, vì cũng chậm trong việc tiếp cận với công nghệ. Nếu mà phải đóng cửa hàng thì chôn vốn lâu ngày, hàng hóa hư hỏng dần theo thời gian, sẽ lỗ chồng lỗ. Do vậy, giờ chỉ dám ôm hàng nhỏ giọt, lấy chút một dù giá cao, nên bán có khi chỉ đủ trang trải chi phí", anh Vinh than thở.

Đưa ra cách nhìn chung về thị trường, Thanh Hằng cho biết cứ vào dịp cuối năm, nhiều người đi làm ăn xa đều quay trở về nhà, đưa tiền biếu bố mẹ, người thân chi xài. Sự đoàn viên khiến nhiều gia đình sẽ có đủ tài chính và lý do để mua sắm. Tuy nhiên, năm nay hạn chế rất nhiều do dịch bệnh, nhiều người chỉ loanh quanh ở Sài Gòn không đi đâu, nên hẳn rằng sức mua tại các tỉnh sẽ "đuối" dẫn tới người kinh doanh không thể liều mình để thua lỗ hoặc chôn vốn được.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn