Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh: Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song tỷ lệ cán bộ nữ tăng chậm và còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. Còn cơ sở không đạt tỷ lệ nữ cấp ủy 15%. Nhiều cơ sở không có cán bộ nữ trong Ban thường vụ. Một số tỉnh không có nữ ĐBQH; một số tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND dưới 20%...
Chỉ ra một số nguyên nhân quan trọng của tình trạng này, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cho rằng, vẫn còn những rào cản giới; cụ thể như quan niệm "nam trưởng, nữ phó" vẫn tồn tại. Điều này trở thành rào cản đáng kể đối với phụ nữ trong bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu.
Một số quy định hiện hành về công tác cán bộ chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; việc triển khai thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vẫn còn bất cập thiếu hụt các dịch vụ xã hội hỗ trợ cũng là những thách thức với phụ nữ trong quá trình tham gia chính trị…
Mặt khác, một bộ phận phụ nữ vẫn còn ngại phấn đấu, chưa sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, coi trách nhiệm đối với gia đình là ưu tiên hàng đầu.
Để nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính, đặc biệt là tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ ĐBQH, HĐND, theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, Hội LHPN Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham mưu công tác cán bộ nữ, tham mưu đề xuất chính sách cho phụ nữ; nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; chủ động góp ý, phản biện xã hội về giới trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; giới thiệu cán bộ nữ ưu tú; cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong mỗi cuộc bầu cử...
Tại hội thảo, những lãnh đạo, quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia bình đẳng giới… tiếp tục trao đổi các giải pháp để góp phần đạt được các chỉ tiêu đã đề ra về công tác cán bộ nữ. Đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện nguồn, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử. Thảo luận các nguyên nhân, rào cản hạn chế cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý, tham gia cấp ủy, các cơ quan dân cử của phụ nữ. Đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về công tác cán bộ đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới…
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng: Tổ chức Hội LHPN Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng.
Thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, đặc biệt là chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các cấp Hội cần nắm rất chắc, bám rất sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ để tham mưu với Đảng, làm cơ sở phát biểu ý kiến trong các cuộc họp liên quan đến công tác bầu cử.
Đồng thời, tiến hành sớm, mạnh và thường xuyên hơn công tác tuyên truyền trước, trong, sau bầu cử. Nội dung cần có trọng tâm, ngắn gọn, gây ấn tượng. Tập trung tuyên truyền trách nhiệm, nghĩa vụ cũng là quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật về quyền bầu cử, tránh tình trạng cử tri đi bầu thay, bầu hộ.
Cùng với đó, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng lưu ý tổ chức Hội ở Trung ương và từng địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn cán bộ nữ bảo đảm tiêu chuẩn, báo cáo với cấp uỷ cùng cấp đồng thời gửi cho Hội cấp trên trực tiếp.
Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức Hội các cấp cần tham gia đầy đủ các cuộc hiệp thương. Nắm vững yêu cầu cần đạt được của từng cuộc hiệp thương theo quy định của pháp luật. Quan trọng nhất là khi lập danh sách sơ bộ người ra ứng cử là phải bảo đảm được tỷ lệ ít nhất 35% là nữ. Đại diện Hội cần đề nghị nên có trên 35% những người ứng cử là nữ để dự phòng. Sau khi có danh sách sơ bộ người ra ứng cử sẽ có hoạt động lấy ý kiến cử tri. Hội cần có hỗ trợ đối với những người ứng cử là nữ.
Đến Hội nghị hiệp thương lần 3, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng: Hội cần chú ý phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND là nữ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 và Khoản 1 Điều 9 Luật bầu cử...
Đồng thời lưu ý nếu có đơn vị bầu cử có tỷ lệ nữ ứng cử viên quá thấp cần đề nghị xem xét. Trong quá trình hiệp thương, nhằm chọn được những người ra ứng cử bảo đảm chất lượng nhất, Hội cần lưu ý việc bảo đảm không để người ra ứng cử là nữ phải kết hợp nhiều cơ cấu vì trong luật không có quy định này.
Theo quy trình bầu cử, Luật Bầu cử quy định phải có ít nhất 35% nữ ứng cử viên trong danh sách bầu cử thì ở bước này, tỷ lệ nữ phải cao hơn rất nhiều. Tốt nhất là khoảng 45- 50% để có điều kiện lựa chọn dần. Đồng thời, chúng ta quan tâm là xóa bỏ tình trạng một ứng cử viên nữ phải "gánh" quá nhiều "cơ cấu": Trẻ tuổi, dân tộc ít người, ngoài đảng, ngành nghề…
Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Đề xuất một số giải pháp tăng số lượng và chất lượng nữ ĐBQH, HĐND, ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Cần tránh đổ lỗi cho "truyền thống dân tộc", đề cập đến khía cạnh "trọng nam khinh nữ", để bao biện cho tình trạng còn bất bình đẳng giới và tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND chưa đạt yêu cầu.
Bởi vì, trong sâu thẳm cội nguồn văn hoá dân tộc, Việt Nam đã là một Dân tộc mang tư tưởng rất tiến bộ về bình đẳng giới. Ông cha ta đã có câu: "Thuận vợ thuận chồng, tát nước bể Đông cũng cạn", thậm chí đề cao vai trò của phụ nữ: "Lệnh ông không bằng cồng bà".
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, cũng cần thay đổi nhận thức "bệnh thành tích" trong việc tăng số lượng ĐBQH, HĐND là nữ. Thực tế đã chứng minh, ở nhiều quốc gia và nhiều địa phương, tăng cường sự tham chính, lãnh đạo của phụ nữ đã làm cho Kinh tế - Xã hội phát triển tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người hơn. Chính vì vậy, thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ tham chính không phải để có một tỷ lệ "đẹp" trong Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp mà cái chính là vì sự phát triển của Đất nước, của mỗi địa phương và nâng cao đời sống của mỗi gia đình, người lao động.
Để tránh tình trạng "ăn đong", "ăn sẵn" trong tạo nguồn nữ ĐBQH, HĐND, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, cần ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách nhằm tạo nền tảng Kinh tế - Xã hội về tiến bộ giới. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh. Vấn đề là việc áp dụng Luật vẫn còn "khe hở" để có sự phân biệt trong tuyển sinh, tuyển dụng, sử dụng lao động nữ, vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tốt hơn tiến bộ giới.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, ĐBQH Khóa XIV, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa, kiến nghị: Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề bình đẳng giới theo hướng: Các văn bản pháp luật về bầu cử phải quy định về tỷ lệ nữ trong Quốc hội và HĐND là chỉ tiêu bắt buộc.
Sửa đổi Luật Bình đẳng giới theo hướng xóa bỏ các thuật ngữ định tính như bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới mà cần phải đặt ra số lượng cụ thể tương ứng với % phụ nữ cả nước, địa phương để thực thi triệt để các quy định pháp luật về giới và bình đẳng giới.
Cùng với đó, nêu cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các bước hiệp thương của quy trình bầu cử. Cần có sự thống nhất cao giữa người đứng đầu với cấp ủy, công đoàn, nữ công về số lượng, chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, có vị trí chức danh tương đương nhau, khắc phục tình trạng các ứng cử viên nữ phải "gánh" quá nhiều cơ cấu
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn