Tìm giải pháp đẩy lùi nạn tín dụng đen len lỏi vào tận các buôn làng Tây Nguyên

13:22 | 18/04/2019;
Theo bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng để tổ chức hoạt động cho vay không thế chấp, vay trực tuyến, hoạt động vốn, kinh doanh tài chính với lãi suất rất cao, từ 100-300%, thậm chí lên đến 700% đối với khoản tiền ở thời điểm vay để thu lợi bất chính.
Sáng ngày 18/4, tại tỉnh Đắk Lắk, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội thảo “Tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng cho phụ nữ góp phần đẩy lùi tín dụng đen”. Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì hội thảo.
 
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (giữa) cùng các đại biểu chủ trì hội thảo

 

Lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu
 
Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, vay trực tuyến, hoạt động vốn, kinh doanh tài chính với lãi suất rất cao, từ 100-300%, thậm chí lên đến 700% đối với khoản tiền ở thời điểm vay để thu lợi bất chính.
 
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đây chính là hình thức cho vay, đi vay với lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người, tổ chức kinh doanh thường gắn liền với các hoạt động đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
 
Tại tỉnh Đắk Lắk, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đối tượng cho vay hoạt động dưới dạng đại lý vật tư nông nghiệp, dịch vụ cầm đồ, đáo hạn ngân hàng, kinh doanh nhỏ lẻ…; thủ tục cho vay, mua nợ không cần thế chấp tài sản, cách thức tính lãi, trả nợ đa dạng, dễ dàng. Người dân tìm đến các kênh tín dụng đen chủ yếu là những người có thu nhập thấp và ở vùng sâu, vùng xa, sinh viên các trường đại học.
 
Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, len lỏi đến tận vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các buôn làng. Trong đó, có các đối tượng có băng nhóm hình sự ở một số tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Nam Định, Nghệ An… vào phối hợp với các đối tượng hình sự tại địa bàn để hoạt động tín dụng đen dẫn đến những hệ lụy ghê gớm.
 
 
Ảnh minh họa

 

Theo Thượng tá Quý, việc vay tiền từ tín dụng đen rất dễ dàng, chỉ cần gọi điện thoại là có ngay, thậm chí người cho vay đến tận nhà, không cần biết đến mục đích vay vốn. Người dân vay thì dễ nhưng trả thì cực kỳ khó khăn.
 
“Nhiều con nợ vay với số tiền ít nhưng do không đủ tiền trả nợ thì phải tiếp tục vay tín dụng đen để trả, dẫn đến số tiền nợ ngày càng lớn, theo thời gian thì lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu. Do không đủ tiền trả số tiền vay, nhiều người phải bán đất, bán nhà để trả nợ, bị đánh đập. Thậm chí,  bỏ nhà, bỏ trốn khỏi địa phương, vượt biên”, ông Quý nói.
 
Cũng theo Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk, hiện Công an tỉnh đang quản lý 22 nhóm 142 đối tượng với hơn 200 cơ sở núp bóng cơ sở tín dụng đen. Có 79 đối tượng cho vay hoạt động riêng lẻ. Khi cho vay, các đối tượng không thể hiện lãi suất cho vay khiến cho việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Quy định của pháp luật hiện nay xử lý cho vay lãi nặng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
 
Cần tiếp cận với các tổ chức tín dụng chính thức
 
Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác với nhiều ngân hàng. Trong đó, nổi bật là chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT. Kết quả, đến ngày 31/3/2019, tổng dư nợ hoạt động ủy thác và tín chấp với các ngân hàng do Hội quản lý là 94,4 nghìn tỉ đồng cho trên 2,8 triệu hộ vay.
 
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nhằm góp phần ngăn chặn tín dụng đen, cấp ủy chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã tích cực phát hiện, đấu tranh. Sau hội thảo này, Hội LHPN Việt Nam cũng sẽ xây dựng các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc làm tài liệu sinh hoạt, tuyên truyền cho hội viên phụ nữ các dân tộc trong khu vực Tây Nguyên.
 
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bắc Đắk Lắk, cho biết, có nhiều hội viên là nạn nhân của tín dụng đen và có một số phụ nữ tham gia vào việc cho vay nặng lãi.
 
Theo ông Vinh, trong thời gian qua, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bắc Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức như Hội phụ nữ để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến các khách hàng trên địa bàn. Ưu tiên nguồn vốn tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ chính sách nông nghiệp, nông thôn.
 
 
Hội thảo “Tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng cho phụ nữ góp phần đẩy lùi tín dụng đen” tại Đắk Lắk ngày 18/4/2019

 

Đặc biệt, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã triển khai Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng để phá triển sản xuất hàng hóa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen
 
Ông Vinh cho rằng, để đầy lùi tín dụng đen, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương một cách mạnh mẽ thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần có chính sách cho vay tiêu dùng riêng, trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản đảm bảo, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay và có cơ chế xử lý rủi ro riêng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện huyện Cư M’gar, một trong những giải pháp để kiềm chế, phòng chống nạn tín dụng đen là phải tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng, nhất là vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá nhân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng.
 
“Bên cạnh đó, cũng cần vận động người dân, chị em phụ nữ, kiên quyết tẩy chay nạn tín dụng đen. Có như vậy thì mới có thể dẹp bỏ được vấn nạn nhức nhối này”, ông Minh nói.
 
Đặc biệt, khi người dân có nhu cầu vay vốn thì nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thức. Khi vay vốn thì cần xem kĩ hợp đồng vay vốn; có phương án quản lý, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn