Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp khẩn với sự tham gia của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh và lãnh đạo các huyện thị để bàn biện pháp giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp vay vốn chính sách xã hội chịu thiệt hại từ bão số 12.
Theo ngân hàng CSXH tỉnh Khánh Hòa, tổng số hộ dân vay vốn từ ngân hàng này chịu thiệt hại do bão số 12 là 7.018 hộ, với số vốn 107,814 tỷ đồng.
Theo quyết định 50/2010 của Thủ tướng chính phủ, những đối tượng vay vốn sản xuất nhưng bị thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đến nguồn vốn thì sẽ được gia hạn nợ với mức thiệt hại vốn dưới 40%, được khoanh nợ với mức thiệt hại vốn từ 40% đến 100%, và được xóa nợ khi bị chết, mất tích không còn khả năng trả nợ…
Thế nhưng lãnh đạo các địa phương của tỉnh Khánh Hòa cho biết nhiều trường hợp đặc biệt chưa có trong quy định của Quyết định 50. Như việc sinh viên vay vốn chính sách đi học mà gia đình chịu thiệt hại từ bão số 12 thì các em này có được áp dụng khoanh nợ hay không?
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Phó chủ tịch Thị xã Ninh Hòa đặt câu hỏi: “Có em sinh viên ra trường, đang lẽ phải trả nợ, nhưng nhà cửa bị sập như thế thì năm nay và năm tới khả năng trả nợ là bị ảnh hưởng. Vậy, trường hợp này có được khoanh nợ, giãn nợ hay không?”.
Một khó khăn khác được chỉ ra, là việc xác định tỷ lệ thiệt hại. Kết quả này sẽ là căn cứ để quyết định đối tượng được khoanh nợ, giãn nợ hay xóa nợ. Ông Trần Sơm Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, nêu ra vấn đề thực tế: “Lâu nay chúng ta chưa bị bão mà mình cứ nói là làm theo quy định, nhưng xuống tới địa phương thì quy định thế nào có biết đâu? Mình lúng túng chỗ này thì mình sẽ xác định mức độ thiệt hại chậm, rồi báo cáo chậm thì dân mình thiệt thòi. Thực tế là nhiều chuyện bỏ sót lắm, xuống địa phương nhiều trường hợp thấy chảy nước mắt nhưng đối chiếu quy định thì lại không được”. Ông yêu cầu đối với những trường hợp nằm ngoài quy định của Quyết định 50, các địa phương vẫn tổng hợp báo cáo ngân hàng chính sách để kiến nghị.
Báo cáo tình hình vốn vay bị thiệt hại tại các tổ chức tín dụng của ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa: Riêng đối tượng thuộc nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, có 5.070 khánh hàng bị thiệt hại, dư nợ vay hơn 1.192 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ngân hàng thiệt hại ước tính khoảng 589 tỷ đồng, riêng ngân hàng NN&PTNT chiếm hơn 82% vốn vay bị thiệt hại, với con số báo cáo là 486 tỷ đồng.
Trước tình hình này, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa với đây, ông Trần Văn Tân, Phó vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cho rằng, phải thực hiện việc cơ cấu lại nợ, đồng thời khẳng định quan điểm của Ngân hàng nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại xem xét phương án sản xuất kinh doanh của các đối tương để tiếp tục cho vay. Không vì lý do đối tượng còn nợ mà gây khó khăn cho việc vay mới.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, bước đầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay mới nhằm khôi phục sản xuất cho 94 cá nhân, 1 doanh nghiệp, tổng vốn 43,9 tỷ đồng. Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 19 cá nhân, 3 doanh nghiệp, tổng dư nợ được cơ cấu lại hơn 222,7 tỷ đồng. Miễn giảm lãi vốn vay, lãi quá hạn cho 21 cá nhân…