Hội thảo diễn ra với 2 phiên, Phiên 1 về Tình hình thực hiện công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù và Phiên 2 về Công tác cán bộ nữ và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ.
Hội thảo này là cơ sở để tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới" gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới".
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên) có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Với khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng sinh kế và cư trú của người dân, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác vận động phụ nữ và các chính sách đặc thù đối với phụ nữ.
Trước khi khai mạc Hội thảo, sáng 13/9, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung cùng đoàn cán bộ dâng hoa, tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: 5 năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự tích cực, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp hội phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận.
Trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu, cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Càng xuống cơ sở thì nữ cấp ủy càng có xu hướng trẻ hóa. Nữ cấp ủy dưới 40 tuổi đạt hơn 30% trong tổng số cấp ủy dưới 40 tuổi. Tỷ lệ nữ cấp ủy là người dân tộc thiểu số khá cao. Nhiều địa phương trong khu vực đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác cán bộ nữ, nhất là về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp.
Mặt khác, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng nêu rõ những vấn đề thực tế cần quan tâm, cụ thể như: phụ nữ, trẻ em đang phải đối mặt với những thách thức do tình trạng di cư lớn, tỷ lệ lao động được đào tạo thấp, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, tệ nạn xã hội, tội phạm, bạo lực gia đình diễn biến phức tạp…
Tỷ lệ phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, nạn tự tử, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, y tế cơ bản, việc làm còn hạn chế, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu…
Trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu khu vực về tỷ lệ nữ cấp ủy ở cả 3 cấp và cao thứ 3 trong cả nước về tỷ lệ cấp ủy cấp cơ sở. Các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông đã nỗ lực vượt lên chính mình so với nhiệm kỳ trước và có tỷ lệ tăng cao nhất khu vực lần lượt ở cấp tỉnh, huyện, xã.
Kon Tum, Đắk Lắk và Gia Lai có tỷ lệ nữ cấp ủy là người dân tộc thiểu số cao nhất (tính trên tổng số nữ cấp ủy). Trong đó, Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy cấp huyện là người dân tộc thiểu số và tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã cao nhất trong khu vực. Quảng Ngãi và Đắk Lắk ghi dấu ấn về nữ đại biểu tham gia Quốc hội với tỷ lệ lần lượt xếp thứ nhất và thứ 2 trong khu vực và đứng hạng 2, hạng 3 trong toàn quốc.
Gia Lai cũng là địa phương có nhiều điểm sáng, với tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh vượt chỉ tiêu 30%, đứng thứ 4 trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Về công tác cán bộ nữ, còn gần 2/3 số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu nữ cấp ủy cấp tỉnh (11/19 tỉnh); tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số là lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND 3 cấp của khu vực chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND 3 cấp thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của toàn quốc. Vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. Không có Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh là nữ, tỷ lệ nữ là chủ tịch HĐND cấp tỉnh thấp hơn so với tỷ lệ chung…
Theo đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề nghị các đại biểu thảo luận về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Đặc biệt là phân tích những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phụ nữ, việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa phương; việc thực hiện các chỉ tiêu về cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực sự mạnh mẽ, có tính đột phá để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, thông tin nhanh về điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua Gia Lai thực hiện nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện và có giải pháp để phụ nữ nâng lên mọi mặt; tỷ lệ cán bộ nữ ngày càng nâng lên; nhìn chung phụ nữ của tỉnh ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai cũng nêu ra một số khó khăn, hạn chế, nhất là còn thiếu vắng cán bộ nữ giữ vị trí đừng đầu cấp ủy, chính quyền; việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc cho nhóm phụ nữ đặc thù... Ông Rah Lan Chung bày tỏ tin tưởng, thông qua hội thảo, sẽ có nhiều ý kiến, giải pháp được nêu ra để Gia Lai thúc đẩy hơn nữa công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới của địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn