Đây là bước đầu tiên trong mọi buổi khám chẩn đoán cận thị. Thông thường bác sĩ sẽ hỏi các vấn đề như:
- Nguyên nhân đến khám mắt?
- Bạn có các triệu chứng gì? Lần đầu tiên bạn bắt đầu gặp các triệu chứng là khi nào?
- Thị lực của bạn có cải thiện nếu bạn nheo mắt hoặc di chuyển các vật thể gần (hoặc xa hơn) ra xa không?
- Trong gia đình có ai gặp vấn đề về thị lực không?
- Bạn có vấn đề y tế nào không? Chẳng hạn như bệnh tiểu đường, đang sử dụng thuốc gì?
Sau khi hỏi xong bệnh sử, bác sĩ sẽ soi và quan sát mắt xem có bất thường nào không. Nếu không phát hiện bất thường thì bác sĩ sẽ tiến hành đo kiểm tra thị lực.
Sau khi thăm hỏi, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tầm nhìn của bạn bằng cách đo thị lực để chẩn đoán cận thị. Phương pháp phổ biến nhất chính là đọc bảng đo thị lực. Có khá nhiều loại bảng đo thị lực như bảng thị lực vòng tròn hở Landolt, bảng thị lực chữ cái của Snellen, bảng thị lực chữ E của Armaignac, bảng thị lực hình với các loại đồ vật/con vật dùng cho trẻ em hoặc người không biết chữ,....
Các bước kiểm tra tầm nhìn bằng bảng đo thị lực bao gồm:
- Đặt bảng đo thị lực cách bệnh nhân 6m. Đảm bảo có đủ ánh sáng chiếu trên biểu đồ.
- Hướng dẫn bệnh nhân ngồi hoặc đứng sao cho tầm nhìn thẳng góc với bảng đo thị lực.
- Dùng 1 tấm thẻ, yêu cầu bệnh nhân che một bên mắt nhưng không được đè lên mắt.
- Kiểm tra từng mắt một. Bắt đầu từ phần trên cùng của biểu đồ, yêu cầu người đó đọc các chữ cái.
- Ghi lại số hàng mà bệnh nhân có thể đọc chính xác.
Dựa vào kết quả ghi thị lực ở trên, bác sĩ có thể xác định bệnh nhân có bị cận thị hay không. Nếu được chẩn đoán cận thị, bác sĩ cũng xác định được số độ cận tương ứng của từng mắt. Dựa vào độ cận này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thử đeo kính mẫu. Nếu bệnh nhân cảm thấy thoải mái và nhìn rõ thì chứng tỏ độ kính phù hợp.
Nếu bệnh nhân thấy nhìn chưa rõ, chóng mặt, nhức đầu, không thoải mái thì chứng tỏ độ kính chưa phù hợp. Tiếp tục thay kính mẫu khác cho đến khi tìm được độ kính chính xác. Cuối cùng, bác kỹ thuật viên sẽ cắt kính cho bệnh nhân.
Với công nghệ tiên tiến, bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán cận thị nhanh chóng và chính xác hơn. Quá trình này bao gồm 2 bước là đo độ cận thị bằng máy điện tử và đo mắt bằng lắp kính mẫu:
- Máy điện tử sẽ tiến hành đo thị lực của từng mắt trái và phải. Bước này cần thực hiện nhiều lần, lấy giá trị trung bình để làm căn cứ xác định độ cận. Giá trị này cho biết bạn có bị cận hay không. Nếu cận thì cận bao nhiêu độ?
- Dựa vào độ cận đã đo bằng máy điện tử ở trên. Bác sĩ sẽ gắng miếng kính mẫu vào để bệnh nhân đeo thử. Các bước thử kính mẫu tương tự như cách chẩn đoán cận thị bằng bảng đo thị lực.
Trong quá trình khám chẩn đoán cận thị, nếu bác sĩ không rõ nguyên nhân gây cận thị hoặc nghi ngờ mắt có vấn đề nào khác. Thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung. Chúng có thể bao gồm:
- Soi đáy mắt để chẩn đoán và ngăn ngừa được thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc và tăng nhãn áp.
- Khám sinh hiển vi mắt để chẩn đoán cận thị thứ phát do đục thủy tinh thế hoặc do phù giác mạc gây ra bởi kính áp tròng.
- Xét nghiệm đường huyết để xác định nguyên nhân gây cận thị có phải do đường huyết tăng cao hay không.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn