Tất cả những đối tượng chưa có miễn dịch với quai bị đều có thể mắc căn bệnh này. Quai bị thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ em độ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, không loại trừ người lớn cũng có khả năng mắc quai bị.
Để tránh lây lan thành dịch trong cộng đồng, hiểu biết về thời gian ủ bệnh quai bị cũng như thời kì phát bệnh là rất quan trọng.
Các bác sĩ và các nghiên cứu cho biết thời gian ủ bệnh quai bị thường kéo dài, khoảng từ 12 - 25 ngày, trung bình khoảng 18 ngày. Ổ chứa và nguồn truyền nhiễm của căn bệnh này chính là người.
Trong đó, nguồn lây lan, truyền nhiễm bệnh quan trọng nhất là những bệnh nhân mắc quai bị trong giai đoạn khởi phát. Các thống kê cho thấy trong ổ dịch, thường cứ 1 bệnh nhân quai bị lâm sàng thì có khoảng từ 3-10 người mang virus lành. Những đối tượng này chủ yếu là người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh quai bị và phát bệnh.
Điều đáng chú ý là trong thời gian ủ bệnh quai bị, người bệnh thường không có triệu chứng bệnh rõ ràng.
Dựa vào vị trí tổn thương bệnh, quai bị có thể phân loại thành nhiều thể. Cụ thể, quai bị được phân chia thành các thể sau: Viêm tuyển nước bọt mang tai; Viêm tinh hoàn; Viêm buồng trứng; Viêm cơ tim; Viêm não; Viêm màng não.
Trong đó, hai thể phổ biến và thường gặp nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai và viêm tinh hoàn. Các thể còn lại ít gặp trên lâm sàng.
Ở mỗi thể, thời gian ủ bệnh quai bị cũng như thời gian phát bệnh quai bị là khác nhau và có những dấu hiệu tương ứng.
Viêm tuyến nước bọt mang tai
Viêm tuyến nước bọt mang tai là thể điển hình hay gặp nhất của bệnh quai bị. Thể này chiếm khoảng 70% các thể có khu trú rõ. Theo đó, thời gian ủ bệnh quai bị ở thể này trung bình từ 18-21 ngày. Sau đó là đến giai đoạn khởi phát bệnh.
Triệu chứng của giai đoạn phát bệnh là người bệnh sẽ bị sốt 38-39 độ kèm theo các dấu hiệu cụ thể như đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém. Thời kỳ tiếp theo là giai đoạn toàn phát bệnh. Sau khi người bệnh sốt từ 24-48 giờ sẽ xuất hiện dấu hiệu viêm tuyến mang tai.
Bệnh nhân ban đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày tiếp theo sưng tiếp bên còn lại. Kèm theo đó là da vùng má bị sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ vào nóng, đau, nước bọt ít và quánh.
Viêm tinh hoàn
Viêm tinh hoàn là thể thường gặp thứ hai sau thể viêm tuyến nước bọt mang tai. Đây là thể bệnh quai bị thường hay gặp ở những đối tượng là nam giới đang ở tuổi dậy thì hoặc đã trưởng thành. Thể bệnh viêm tinh hoàn thường bị một bên, ít gặp cả hai bên.
Các bác sĩ cho biết viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau viêm tuyến nước bọt và xuất hiện sau khi các triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi. Thời kỳ phát bệnh thường vào ngày thứ 5 - 10 của bệnh thấy sốt xuất hiện trở lại hoặc tình trạng sốt tăng lên.
Ngoài ra bệnh nhân có thể buồn nôn, nôn. Kèm theo đó là dấu hiệu tinh hoàn bị đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ vào thấy chắc, da bìu có thể căng đỏ.
Điều đáng lưu ý là tình trạng này thường kéo dài khoảng 3 - 7 ngày thì giảm bớt. Sau khoảng thời gian là 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có bị teo hay không. Nguy hiểm hơn nếu bị teo tinh hoàn cả 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao. Nếu không bị teo, quá trình sinh tinh có thể dần trở về bình thường.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe bản thân trước những biến chứng nguy hiểm của quai bị thì bạn cần nắm rõ thời gian ủ bệnh để quá trình phòng tránh diễn ra hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn