Chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc là tình trạng lông tóc phát triển quá mức ở các bộ phận vốn không có hoặc có ít lông. Các khu vực thường gặp là mặt, ngực và lưng.
Mặc dù chứng rậm lông có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, ở nam giới khó nhận biết hơn, vì sự lông - tóc vốn phát triển mạnh ở nam.
Chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc ở trẻ sơ sinh xảy ra đồng đều giữa hai giới, thường là dấu hiệu của dậy thì sớm hoặc là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng.
Triệu chứng của rậm lông, quá nhiều lông tóc là lông phát triển rậm rạp ở các khu vực thường không có lông nhiều như mặt, ngực, bụng dưới, đùi trong và lưng. Lông tóc thường sẫm màu, thô và cứng.
Ngoài ra, chứng rậm lông thường đi kèm với một số triệu chứng khác như:
- Giọng nói trầm.
- Da bị mụn.
- Da dầu.
- Hói đầu
- Giảm kích thước ngực.
- Tăng khối lượng cơ bắp.
- Sự gia tăng không giải thích được trong ham muốn tình dục.
- Kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.
Chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc thường là kết quả của sự mất cân bằng nội tiết tố. Tình trạng này có liên quan đến nồng độ hormone nam cao (được gọi là androgen). Các nội tiết tố nam như testosterone kích thích mọc lông tóc, tăng kích thước và sắc tố của tóc.
- Chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc có khả năng di truyền, do đó, nếu người thân của bạn bị mắc chứng rậm lông, bạn cũng có nguy cơ cao mắc nó.
- Bị béo phì làm tăng sản xuất androgen, có thể làm trầm trọng thêm bệnh rậm lông.
- Phụ nữ bị buồng trứng đa nang gây mất cân bằng hormone giới tính. Qua nhiều năm, đa nang buồng trứng có thể từ từ dẫn đến sự phát triển quá mức của lông tóc, chu kỳ không đều, béo phì, và vô sinh.
- Người bị tăng sản thượng thận bẩm sinh đặc trưng bởi sự sản xuất bất thường của các hormone steroid, bao gồm cortisol và androgen bởi tuyến thượng thận.
- Người bị khối u có khả năng tiết androgen trong buồng trứng hoặc tuyến thượng thận có thể gây ra bệnh rậm lông.
- Sự thay đổi nội tiết tố của thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến tăng lông mặt (ria mép và râu).
- Người sử dụng một số loại thuốc có thể thay đổi nồng độ hormone gây rậm lông như: thuốc nội tiết tố, thuốc kích thích mọc tóc, thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung,...
Bác sĩ sẽ quan sát và đánh giá lông trên cơ thể bằng hệ thống tính điểm chuẩn Ferriman-Gallwey. Sau đó dựa vào hồ sơ lịch sử y tế, thăm hỏi các triệu chứng để chẩn đoán nguyên nhân chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc.
Nếu người bệnh có kinh nguyệt đều đặn thì rậm lông có khả năng có nguyên nhân di truyền. Trong trường hợp chứng rậm lông nhẹ, trong đó không có triệu chứng nào khác cho thấy việc sản xuất quá nhiều hormone androgen, có thể không cần xét nghiệm thêm.
Nếu kinh nguyệt không đều thì có thể nguyên nhân là do hội chứng buồng trứng đa nang. Bằng cách đo nồng độ testosterone và DHEA trong máu, bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu của buồng trứng đa nang, khối u buồng trứng, khối u tuyến thượng thận hoặc khối u có thể kích thích tuyến thượng thận.
Nếu cần thêm xét nghiệm, xét nghiệm máu có thể kiểm tra sự thiếu hụt của hormone tuyến thượng thận. Nếu nghi ngờ có khối u, bác sĩ có thể áp dụng siêu âm buồng trứng, chụp MRI não, chụp CT tuyến thượng thận.
Quyết định điều trị rậm lông đôi khi là vấn đề lựa chọn cá nhân. Đa số nữ giới chọn điều trị vì cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp với xã hội. Nam giới có thể lựa chọn không điều trị vì nó ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Việc điều trị rậm lông đòi hỏi sự kiên nhẫn vì nang lông có vòng đời khoảng sáu tháng. Một số phương pháp điều trị râm lông, quá nhiều lông tóc là:
- Cạo lông: Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả nhưng cần thực hiện hàng ngày.
- Tẩy lông bằng hóa chất: Sử dụng các loại kem và sáp tẩy lông sẽ giúp rụng lông và làm nhạt màu lông. Tuy nhiên nó có thể gây kích ứng da nên cần thử nghiệm trước khi tẩy lông diện tích lớn.
- Điện phân: Điện phân làm hỏng các nang tóc riêng lẻ bằng cách chèn một cây kim rất mảnh vào nang lông và truyền vào một dòng điện. Đây là phương pháp phù hợp để điều trị các khu vực nhỏ. Sau khi lặp lại quá trình một vài lần, lông sẽ ngừng phát triển ở các khu vực được điều trị. Điện phân an toàn và hiệu quả, nhưng nó có thể gây đau đớn và thường tốn kém.
- Triệt lông bằng laser: Mặc dù tốn kém, tẩy lông bằng laser có hiệu quả, nhanh hơn và ít đau hơn so với điện phân. Hầu hết mọi người cần 4 - 6 lần điều trị cách nhau khoảng 4 - 6 tuần để đạt được hiệu quả tẩy lông triệt để, và có thể cần điều trị duy trì 6 - 12 tháng một lần để loại bỏ những sợi lông nhỏ mọc lại.
Một số loại thuốc có sẵn để điều trị bệnh rậm lông. Những loại thuốc này có thể làm giảm lượng lông trên cơ thể, ngăn chặn sự phát triển của lông tóc mới, làm giảm tốc độ tăng trưởng và độ thô cứng của lông tóc. Hầu hết các loại thuốc này phải được sử dụng trong ít nhất 6 tháng mới nhìn thấy hiệu quả.
- Thuốc tránh thai: Thường là lựa chọn đầu tiên để điều trị bệnh rậm lông, quá nhiều lông tóc ở phụ nữ. Thuốc tránh thai làm giảm nồng độ androgen. Có khoảng 60 - 100% bệnh nhân sẽ nhận thấy sự cải thiện khi dùng các loại thuốc này. Thuốc tránh thai cũng có thể giúp thiết lập chu kỳ kinh nguyệt đều đặn ở những phụ nữ có chu kỳ không đều hoặc không có kinh nguyệt.
- Antiandrogens: Là thuốc làm giảm trực tiếp sản xuất androgen hoặc ngăn chặn hoạt động của androgen trên nang lông. Bởi vì những loại thuốc này có thể gây ra dị tật bẩm sinh nên cần tránh dùng cho phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai.
- Thuốc chống ung thư: Ví dụ như Spironolactone và Finasteride cũng có thể được dùng để điều trị chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc. Nếu liều ban đầu không có hiệu quả sau vài tháng điều trị, có thể dùng liều cao hơn.
** Lưu ý các loại thuốc nói trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bị rậm lông, quá nhiều lông tóc không nên áp dụng bừa bãi mà không có chỉ dẫn của bác sĩ, tránh gây nguy hiểm cho sức khoẻ.
Giảm cân ở bệnh nhân thừa cân có thể làm giảm nồng độ androgen và giảm bớt tình trạng rậm lông. Phụ nữ có kinh nguyệt không đều cũng có thể nhận thấy rằng chu kỳ của họ trở nên đều đặn hơn sau khi giảm cân.
- Nguyên nhân chính của chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc là do mất cân bằng nội tiết tố, nên nó không gây ra các biến chứng về thể chất. Nhưng chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc thường khiến người bệnh tự ti, có cảm xúc nặng nề, có thể phát triển trầm cảm.
- Nếu bạn bị rậm lông, quá nhiều lông tóc và chu kỳ không đều, rất có thể bạn bị bệnh buồng trứng đa nang, ức chế khả năng sinh sản.
- Phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc trị chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc bởi có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc thường không thể phòng tránh được. Nhưng nếu bạn thừa cân thì việc giảm cân có thể giúp giảm rậm lông, đặc biệt nếu bạn bị mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Tránh các loại thuốc có ảnh hưởng tới nồng độ hormone cũng có thể làm giảm nguy cơ.
- Bạc hà có khả năng giảm tiết hormone androgen, kích thích sản sinh estrogen giúp cân bằng nội tiết tố. Người bệnh có thể uống trà bạc hà mỗi ngày để giảm chứng rậm lông.
- Ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin B và vitamin E như ngũ cốc, trứng, thịt nạc, tim, gan, bí ngô, giá đỗ, rau cải,... Bởi vitamin B và E có tác dụng kích thích sản sinh nội tiết tố nữ estrogen, giữ nồng độ hormone ở mức cân bằng, cải thiện tình trạng rậm lông.
- Uống một cốc sữa đậu nành mỗi ngày có thể khiến rụng lông tự nhiên, làm nhạt màu lông và giúp lông tóc mềm hơn.
- Các sản phẩm bơ sữa có chứa các gốc phân tử của hormone androgen. Chúng có thể nhanh chóng biến đổi thành hormone dihydrotestosterone khi được cơ thể hấp thụ. Hormone dihydrotestosterone có khả năng kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, kích thích lông tóc phát triển nhanh.
- Thực phẩm cay nóng có chứa Capsaicin, có khả năng kích thích sự phát triển các nang lông.
- Đường và tinh bột không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì mà chúng còn khiến lông tóc phát triển nhanh vượt trội.
Rậm lông, quá nhiều lông tóc là tình trạng có khả năng di truyền. Do đó nếu bạn có người thân bị mắc chứng bệnh này thì bạn cũng cần cảnh giác. Đây cũng là nguyên do mà một số nhóm dân tộc sẽ có lông tóc phát triển hơn vùng khác. Ví dụ vùng địa trung hải, trung đông, người có màu da tối thường rậm lông hơn, có nhiều ria mép và râu quai nón hơn.
Chứng rậm lông, quá nhiều lông tóc có thể xảy ra ở bất kỳ giới nào. Tuy nhiên, ở nam giới, chứng rậm lông không được chú ý nhiều bởi vốn dĩ nam giới đã có lông và tóc khá phát triển. Mặc khác, nó cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ của phái nam. Đôi khi, việc có nhiều lông ngực, râu quai nón lại được coi là biểu tượng của sự nam tính, mạnh mẽ.
Chỉ số Ferriman-Gallwey là một phương pháp để đánh giá mức độ phát triển lông trên cơ thể. Nó bao gồm các hình ảnh phân bố tóc ở môi trên, cằm, ngực, lưng, bụng, cánh tay, cẳng tay, đùi và chân dưới. Mỗi khu vực được chấm điểm từ 0 đến 4, với 4 là tình trạng mọc lông nặng. Sau khi mỗi khu vực được chấm điểm, các điểm số được cộng lại lấy tổng. Nếu tổng điểm trên 8 thì chứng tỏ người bệnh bị mắc chứng rậm lông.
Điểm số Ferriman-Gallwey là một công cụ chẩn đoán đơn giản, rẻ tiền và đáng tin cậy cho bệnh rậm lông. Tuy nhiên, cũng có nhiều phương pháp phức tạp và tốn kém hơn để xác định mức độ tăng trưởng của lông tóc chính xác hơn. Chúng bao gồm các xét nghiệm hình ảnh, đánh giá trên máy vi tính các bức ảnh, đo bằng kính hiển vi và đếm các sợi tóc.
Rậm lông, quá nhiều lông tóc ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, trầm cảm. (Ảnh: Internet)
Rậm lông nhẹ có thể không cần can thiệp điều trị. (Ảnh: Internet)
Chứng rậm lông có thể di truyền. (Ảnh: Internet)
Rậm lông, quá nhiều lông tóc cũng xảy ra ở nam giới nhưng ít được chú ý. (Ảnh: Internet)
Nguồn dịch: https://en.wikipedia.org/wiki/Hirsutism
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn