Tìm hiểu về đốm Koplik - một dấu hiệu sớm của bệnh sởi

07:23 | 03/11/2020;
Bên cạnh những dấu hiệu khá phổ biến như phát ban, sốt cao kèm đau họng ho khan thì đốm Koplik cũng là một dấu hiệu sớm của bệnh sởi bạn nên lưu tâm đến.

Bệnh sởi tuy không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. 

Đây là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan qua đường không khí và dễ bùng phát thành dịch. Cho dù tổ chức Y tế thế giới WHO đã ban hành các chương trình tiêm chủng khác nhau để giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh nhưng việc phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh sởi vẫn là cần thiết để có thể giảm sự lây lan cũng như hạn chế các biến chứng mà nó gây ra.

Bên cạnh các dấu hiệu dễ nhận biết như phát ban, sốt cao kèm đau họng, ho..., các đốm Koplik cũng là một dấu hiệu vô cùng đặc trưng của những bệnh nhân mắc bệnh sởi. Các đốm Koplik không chỉ có ý nghĩa trong việc chẩn đoán mà còn rất cần thiết trong việc kiểm soát sự bùng phát của bệnh sởi. 

Điều này là do nếu bệnh sởi được chẩn đoán sớm thông qua việc xác định các đốm Koplik thì có thể thực hiện các biện pháp để hạn chế sự lây lan trước khi chúng đạt đến khả năng lây nhiễm tối đa. Do đó, việc phát hiện sớm hỗ trợ đáng kể trong việc kiểm soát căn bệnh truyền nhiễm cao này bằng cách sử dụng các biện pháp điều trị và kiểm soát bệnh sởi kịp thời.

1. Đốm Koplik là gì?

Các đốm Koplik được đặt theo tên của Henry Koplik (1858-1927) là một bác sĩ nhi khoa người Mỹ. Ông đã công bố một mô tả ngắn về chúng vào năm 1896, trong đó có nhấn mạnh đến sự xuất hiện của đốm Koplik trước khi nổi phát ban trên da và giá trị của chúng trong việc chẩn đoán phân biệt giữa sởi và các bệnh khác có yếu tố tương tự dễ bị nhầm lẫn.

Các đốm Koplik xuất hiện ở niêm mạc miệng từ rất sớm và là dấu hiệu phân biệt bệnh sởi (Ảnh: Internet)

Các đốm Koplik xuất hiện ở niêm mạc miệng từ rất sớm và là dấu hiệu phân biệt bệnh sởi (Ảnh: Internet)

Theo đó, đóm Koplik là những nốt nhỏ xuất hiện bên trong miệng, là dấu hiệu sớm của bệnh sởi rất đặc trưng trong giai đoạn đầu. Các đốm trông giống như những hạt cát trắng nhỏ. Mỗi hạt trắng được bao quanh bởi một vòng màu đỏ. Chúng được tìm thấy nhiều nhất ở mặt trong (niêm mạc) má đối diện với răng hàm trên thứ 1 và thứ 2. 

2.  Những dấu hiệu sớm của bệnh sởi được mô tả bởi Koplik vào năm 1896

Trong vòng 24 đến 48 giờ đồng hồ đầu tiên kể từ khi virus sởi thâm nhập vào cơ thể, bệnh nhân sẽ cảm thấy mắt bị đau nhẹ hoặc đau rõ rệt kèm với kết mạc ở mũi và hầu họng hơi đỏ và sưng. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể bị sốt nhẹ, ho hay hắt hơi nhưng rất nhẹ khiến người bệnh chưa cảm thấy thay đổi gì nhiều. Trừ trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có thể sốt cao hơn một chút.

Tại giai đoạn đầu, các nốt phát ban trên da vẫn chưa xuất hiện. Trong phần lớn các trường hợp mắc bệnh, hầu hết đều không có các dấu hiệu ngoài da nào để có thể xác định chính xác bệnh nhân đã mắc bệnh sởi. Đôi khi người bệnh có thể có 1 vài đốm đỏ xuất hiện quanh môi nhưng không quá rõ ràng.

Tìm hiểu về đốm Koplik - một dấu hiệu sớm của bệnh sởi - Ảnh 3.

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có thể sốt cao hơn một chút tại giai đoạn đầu của bệnh sởi (Ảnh: Internet)

Lúc này, nếu quan sát kỹ vùng khoang miệng sẽ thấy xuất hiện những nốt mụn đỏ, đôi khi nằm trên vòm miệng. Các nốt xuất hiện nhiều và rõ rệt nhất ở trên niêm mạc miệng và bên trong môi. Chúng bao gồm các đốm nhỏ, kích thước không đều và có màu đỏ tươi. Tại trung tâm của mỗi nốt sẽ có một đốm nhỏ màu trắng hơi xanh và chỉ có thể nhìn thấy khi chiếu đèn hoặc dưới ánh sáng ban ngày. 

Những nốt này được gọi là đốm Koplik và chính là dấu hiệu sớm của bệnh sởi và có thể được coi là tiền thân của triệu chứng phát ban trên da.

3. Những dấu hiệu khác khi mắc bệnh sởi

Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Chúng có 2 giai đoạn phát triển là ủ bệnh và nhiễm trùng, kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Trong thời gian từ 10 đến 14 ngày sau khi bị nhiễm virus, thông thường người bệnh sẽ không nhận thấy những dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh sở một cách rõ ràng. 

Những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi là không đặc hiệu và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Bệnh thường bắt đầu bằng sốt nhẹ đến trung bình, kèm theo đó là các cơn ho dai dẳng và sổ mũi, viêm kết mạc hay đau họng. Những dấu hiệu này sẽ kéo dài trong khoảng từ 2 đến 3 ngày.

Sau thời gian ủ bệnh, các dấu hiệu đặc trưng và rõ rệt sẽ xuất hiện bao gồm:

- Sốt. Cơn sốt có thể tăng cao dần dần lên tới 40 - 41 độ C.  

- Ho khan

- Sổ mũi

- Ăn không ngon

- Chảy máu cam

- Đau họng 

- Viêm kết mạc

- Đốm Koplik trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má xuất hiện ngày càng nhiều.

- Các nốt phát ban trên da cũng dần xuất hiện. Các đốm này nhỏ, có màu đỏ và hơi sưng. Ban đầu chúng mọc ở trên mặt và cổ, sau đó di chuyển dần xuống dưới rồi lan ra toàn cơ thể. Các vết mẩn ngứa khó chịu và kéo dài từ 3 đến 5 ngày sau đó dần biến mất.

Nguồn dịch tham khảo:

1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2645467/

2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK549793/

3. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/(SICI)1099-1654(199707)7:2<71::AID-RMV185>3.0.CO;2-S

4. https://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=6481


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn