Tìm ra vaccine làm giảm 90% virus HIV trong cơ thể

11:39 | 15/02/2019;
Theo một bài báo được đăng trên Tạp chí chuyên ngành Frontiers in Immunology ngày 13/2, sau 8 năm nghiên cứu, vaccine Tat điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS của Ý đã giúp giảm tới 90% ổ chứa virus HIV trong cơ thể.

Vaccine Tat được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu AIDS của Viện Y tế Quốc gia Ý (ISS). Kết quả trên được đưa ra sau 8 năm thực hiện thử nghiệm giai đoạn 2 trên 92 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm loại vaccine này tại 8 trung tâm lâm sàng ở Ý bao gồm Bệnh viện San Raffaele và Sacco ở Milan, Bệnh viện Annunziata ở Florence và Đại học Policlinico ở Bari.

Vaccine thử nghiệm nhắm đến loại protein có tên là HIV-1 Tat, được biết đến với vai trò quan trọng trong việc nhân rộng virus HIV gây bệnh. Vaccine sẽ tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch với protein này, kích hoạt phản ứng mạnh hơn so với phản ứng được kích hoạt bằng thuốc kháng virus.

hiv.jpg
Vaccine phòng HIV/AIDS của Ý giảm 90% các ổ chứa virus HIV

Trên thực tế, HIV không thể được loại bỏ hoàn toàn bằng thuốc cART vì “virus vẫn tồn tại nhưng không bị nhân lên trong một số tế bào bị nhiễm DNA pro virus”, theo các nhà nghiên cứu của ISS.

Các nhà khoa học gọi dạng virus HIV này là “ổ chứa virus tiềm ẩn” bởi  nó vẫn “vô hình” đối với hệ thống miễn dịch và không bị cART tấn công.

“virus tiềm ẩn tái hoạt động và bị nhân lên định kỳ. Do đó, việc gián đoạn trị liệu cART chắc chắn sẽ dẫn đến sự khởi động lại của việc bị nhiễm bệnh và đây là lý do tại sao hiện nay người bệnh vẫn phải điều trị trong suốt cuộc đời”, ISS giải thích.

Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất đã ghi nhận sự giảm mạnh của virus trong máu ở bệnh nhân được điều trị bằng cả thuốc kháng virus và vaccine Tat. Phản ứng này xảy ra “với tốc độ trung bình cao gấp 4 - 7 lần so với quan sát ở những bệnh nhân được điều trị chỉ bằng cART trong các nghiên cứu tương tự”, theo ISS.

ISS cho biết: “Việc sử dụng vaccine Tat cho bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng virus (cART) đã chứng minh được khả năng làm giảm đáng kể lượng virus tiềm ẩn không thể tiêu diệt khi chỉ sử dụng cART”.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AIDS Barbara Obloli khẳng định kết quả trên sẽ mở ra “những quan điểm mới về điều trị chức năng HIV, nghĩa là một liệu pháp có thể kiểm soát virus ngay cả khi dừng sử dụng thuốc kháng virus”.

Hơn nữa, việc giảm các ổ chứa virus ở bệnh nhân đã được tiêm vaccine Tat còn liên quan đến sự gia tăng các tế bào CD4 và tỷ lệ CD4/CD8-T (một chỉ số phản ứng của hệ thống miễn dịch mạnh) - những yếu tố liên quan đến mức độ virus thấp và phản ứng miễn dịch tốt. Hiện tượng này được gọi là kiểm soát sau điều trị và đôi khi xảy ra ở những bệnh nhân hiếm gặp - những người có khả năng tự kiểm soát sự sao chép của virus HIV sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus.

Các nhà nghiên cứu tin rằng tiêm vaccine Tat có thể mang lại cho bệnh nhân “khả năng kiểm soát virus mà không cần dùng thuốc, trong thời gian chưa được đánh giá qua các nghiên cứu lâm sàng tiếp theo”.

“Cho đến nay, vaccine Tat đã được chứng minh là an toàn, miễn dịch (gây ra phản ứng miễn dịch mong muốn) và gần như tất cả đều có thể nhắm vào các ổ chứa virus và giảm virus ở đó. Chức năng này chưa từng được nhìn thấy trước đây và theo hiểu biết của tôi thì chưa có công cụ lâm sàng nào khác thực hiện được điều này”, bà Consoli chia sẻ.

Nghiên cứu chắc chắn sẽ được tiến hành xa hơn nhưng hiện ISS vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vaccine có thể được tung ra thị trường.

Mục tiêu của các nhà nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo sẽ là kiểm tra xem việc đình chỉ trị liệu bằng cART ở những người tình nguyện được tiêm vaccine Tat có khả thi hay không và nó sẽ mang lại những tác dụng gì. Tuy nhiên, bà Obloli nói với Tân Hoa Xã giai đoạn tiếp của nghiên cứu vẫn chưa được lên kế hoạch vì thiếu kinh phí.

Cho đến nay, nghiên cứu vaccine Tat đã tiêu tốn khoảng 29,3 triệu USD. Số kính phí này hoàn toàn do Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao Ý cung cấp và tổng số có khoảng 350 bệnh nhân thử nghiệm ở Ý và Nam Phi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn