Tìm thấy mẹ sau 81 năm bị bỏ rơi ở trại trẻ mồ côi

08:10 | 29/01/2019;
Bà Eileen Macken (81 tuổi, người Ireland) mới tìm được người mẹ thất lạc hiện đã 103 tuổi là Lucia DeClerck. Ngoài ra, phụ nữ Trung Quốc phải dành tổng cộng 1/6 cuộc đời làm việc không được trả lương, việc anh Dominik Bayer khởi kiện chính quyền thành phố Eichstätt (Đức) với cáo buộc phân biệt giới tính là những tin giới nổi bật ngày 29/1.
1, Bà Eileen Macken, người lớn lên từ trại trẻ mồ côi Kirwan House ở thành phố Dublin (Ireland) 81 năm trước, đã tìm kiếm mẹ ruột của mình kể từ khi bà 19 tuổi. Trong 61 năm qua, bà đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc để thực hiện những cuộc tìm kiếm trong và ngoài nước dựa trên công nghệ xét nghiệm DNA. May mắn đã mỉm cười với bà Eileen Macken khi tìm thấy Lucia DeClerck, người mẹ vẫn còn sống và khỏe mạnh ở tuổi 103.
 
eileen-macken-lucia-declerck.jpg
Bà Eileen Macken tìm được người mẹ - Lucia DeClerck
Người phụ nữ 81 tuổi cũng không thắc mắc nhiều về việc tại sao mẹ lại bỏ rơi mình, vì tìm thấy mẹ là niềm vui lớn nhất của bà. Không chỉ tìm ra mẹ ruột của mình, bà Eileen Macken còn được gặp cả hai em cùng cha khác mẹ: Một người 70 tuổi và 40 tuổi.
 
2, Theo một cuộc khảo sát trên 20.000 hộ gia đình ở 11 khu vực khác nhau do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thực hiện, phụ nữ ở quốc gia này dành khoảng 2,1 giờ mỗi ngày để làm việc nhà, gần gấp 3 lần so với thời gian làm việc nhà của đàn ông. Đây là một sự chênh lệch đáng kể so với Mỹ khi phụ nữ cũng làm việc nhà hơn 2 giờ/ngày nhưng đàn ông nước này lại chăm chỉ hơn với thời gian gấp đôi đàn ông Trung Quốc.
 
phu-nu-trung-quoc.png
Phụ nữ Trung Quốc bận rộn với công việc nhà
Ngoài thời gian làm việc được trả lương ít hơn đàn ông, phụ nữ Trung Quốc dành nhiều thời gian hơn hẳn trong việc nhà. Ngoài giờ làm việc chính thức, họ còn nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con đi học, chăm sóc con. Việc dành hẳn 1/6 cuộc đời mình để làm những việc bắt buộc, không phải vì đam mê mà vì trách nhiệm và không được bạn đời chia sẻ hay cảm thông là một gánh nặng tâm lý đối với phụ nữ.
 
3, Anh Dominik Bayer, một sinh viên ngành luật, đã khởi kiện chính quyền thành phố Eichstätt (miền Nam Đức) với cáo buộc phân biệt giới tính. Anh cảm thấy bị tổn thương khi thấy nhiều biển báo ưu tiên cho phụ nữ đậu xe ở Eichstätt. Nhà chức trách lập các điểm đỗ xe riêng cho phái đẹp, được chiếu sáng tốt hơn và gần lối ra vào tại bãi xe công cộng thuộc trung tâm thành phố sau vụ một phụ nữ bị cưỡng bức vào năm 2016.
 
dominik-bayer.jpg
Anh Dominik Bayer chia sẻ với báo giới
Sau khi xử, tòa án Munich thông báo chính quyền Eichstätt đã đồng ý lắp biển báo với nội dung khuyến nghị nam giới ưu tiên nhường chỗ đậu xe an toàn cho nữ giới chứ không bắt buộc như trước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn