Tìm về quán xưa, bâng khuâng nhớ Trịnh

10:06 | 31/03/2017;
Khi tôi viết những dòng này thì 'phần hồn' của quán nhỏ ấy đã trôi sâu vào dĩ vãng. Lữ khách một thời tề tựu ở đó những trưa, những chiều, nay kẻ còn người mất, tứ tán khắp nơi. Cả Trịnh Công Sơn cũng đã rời xa nhân thế tròn 16 năm.

1. Khoảng hơn hai chục năm trước, lần đầu tiên tôi đến quán 81 Trần Quốc Thảo (TPHCM) để “chén thù chén tạc” với một đám bạn đồng nghiệp mới quen, chính thức gia nhập hội làm báo Sài Gòn. Hồi ấy, tôi nhút nhát và tự ti lắm. Nhất là khi ngồi ở cái quán mà xung quanh toàn những “cây đa cây đề” trong giới báo chí và văn nghệ, chỉ nghe tên thôi đã thấy “khiếp”: Đây là ông Diệp Minh Tuyền, kia là ông Nguyễn Quang Sáng, nọ là chị Thảo Phương… Từ trước tới giờ, tôi chỉ mới biết danh và tài của họ qua tác phẩm, nào dám mơ tưởng có ngày được “diện kiến” như vầy!

Quán của dân văn nghệ, nên lúc nào cũng ồn ào và nhất là mọi người đều tỏ ra rất “tự nhiên”. Những nhà văn, nhà thơ sau một vài tuần bia, liền cao hứng đọc một đoạn tác phẩm mới của mình để mọi người cùng bình phẩm; những nhạc sĩ sẵn sàng ôm cây đàn guitar của chủ quán cho mượn, mặc tiếng rè, dây phô, vẫn gảy tưng tưng rồi cất giọng hát đầy ngẫu hứng…

Sau lần đó, tôi đâm “nghiện” cái không khí “xô bồ theo kiểu có văn hóa” của quán ấy. Nhất là khi thỉnh thoảng lại xuất hiện những người… đẹp thiệt là đẹp. Họ có khi là những ngôi sao xi-nê đang nổi tiếng, cũng có khi là những cô đào đang nuôi mộng trở thành “sao”, được các đạo diễn đưa tới để “thử nghề”, khiến cánh đàn ông cứ ngó nghiêng…

2. Bữa đó, cuộc vui trong quán đang hồi cao trào, thì cậu bạn ngồi kế bên rỉ tai nói nhỏ: “Ông vừa tới bàn bên kia là Trịnh Công Sơn đấy”.

1386156078765_500.jpg
 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Vốn là “tín đồ” của nhạc Trịnh, nên không khó để tôi nhận ra người đàn ông nhỏ thó, gầy guộc ấy chính là thần tượng của mình. Duy có điều khiến tôi hơn bất ngờ, đó là sự bình dị của ông. Trịnh bước vào quán một cách lặng lẽ, khẽ ngồi xuống chiếc ghế trống bên tay trái của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Bàn của chúng tôi khá gần với bàn ông Sáng, ông Sơn, nên tôi khấp khởi mừng thầm, chắc mẩm phen này sẽ được nghe nhạc sĩ hát vài bài. Hay ít nhất cũng được nghe ông kể về “sự tích” của những tác phẩm hay vài tứ nhạc tâm đắc - điều thường bắt gặp ở một số nhạc sĩ khác.

Nhưng không, Trịnh chỉ ngồi im lặng và… uống! Thi thoảng, ông nở nụ cười ý nhị khi nghe những người bạn kể một câu chuyện vui. Được một lát, khi thấy có người đàn ông cưỡi chiếc Honda 67 đậu phía ngoài vẫy tay, Trịnh đứng lên, chào mọi người trong bàn rồi bước ra. Ông đi cũng lặng lẽ như khi đến, chẳng khiến ai phải bận tâm. Có lẽ mọi người ở đây đã quá quen với việc “được” gặp Trịnh Công Sơn hàng ngày, nên thấy bình thường!?

1_bc.jpg
Ca sĩ Khánh Ly trước mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Thế rồi, khoảng thời gian sau đó, chính tôi cũng bị rơi vào “hội chứng bình thường” ấy, khi trong cuộc sống có những sự tình cờ cho tôi được quen biết nhạc sĩ họ Trịnh - mặc dù chỉ ở mức ông nhận ra, gật đầu hay giơ tay chào mỗi khi vô tình gặp giữa chốn xa lạ. Chính vì thế, sự vắng mặt của Trịnh ở quán 81 bỗng lại trở thành điều “bất thường”.

Những khi ông vắng mặt, thông tin về tình hình sức khỏe của ông được một số người bạn chí cốt thông báo với “cộng đồng 81” qua “năng lực… uống rượu”. Hễ loáng thoáng nghe ông Sáng hay ông Ẩn (Trần Long Ẩn), ông Lập (Tôn Thất Lập) nói ở đâu đó, rằng “ông Sơn uống yếu hẳn đi”, là mọi người lại lo sốt vó!

Vậy mà, năm lần bảy lượt, mọi người hết lo lại… thở phào, khi thấy ông Sơn trở lại quán. Dẫu tần suất xuất hiện thưa thớt hẳn, ông cũng không uống nhiều nữa. Nhưng thấy ông vẫn ngồi ở đó, bên những bạn bè thân thiết, là yên tâm rồi!

3. Có lẽ mãi đến giờ, người ta vẫn chưa thể lý giải được tại sao, cái quán nhậu 81 Trần Quốc Thảo ấy lại trở thành điểm hội tụ của hầu hết dân văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, bất kể trong số họ có những nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo… trước đây từng ở 2 đầu chiến tuyến. Ở đó chỉ nói chuyện văn nghệ và… nhậu, không nói chuyện chính trị!

Thật ra, quán này không có món ăn nào gọi là “hàng độc”, bia (hơi) không thật xuất sắc, giá không rẻ, bàn ghế sứt sẹo, mái tôn thì rỉ sét, mưa to còn bị dột, nước nhỏ xuống bàn tong tong... Thậm chí thái độ phục vụ của nhân viên, và nhất là bà chủ, còn “sặc mùi” bao cấp. Thế mà, cứ đến buổi trưa thì để kiếm được 1 chỗ ngồi ở đó là điều vô cùng khó khăn. Đã vô quán thì ai cũng như nhau, chẳng sang hèn, giàu nghèo gì sất. Hễ ai tỏ thái độ “chảnh chẹ”, ỉ có nhiều tiền, lập tức bị từ chối phục vụ liền!

Quán là nơi chứng kiến những cuộc hợp - tan đầy bất ngờ, khiến những người trong cuộc cảm thấy thời gian vài năm chỉ ngắn như mới vài tuần, còn khoảng cách địa lý dẫu là nghìn dặm cũng chỉ bằng một quãng phố đầy bụi bặm, nắng gió ngoài kia… Chỉ có những cuộc ly biệt vĩnh viễn ập đến bất ngờ mới đủ khiến người ta cảm nhận được sự nghiệt ngã của cuộc sống.

4. CÒn nhớ, một ngày cuối tháng 3/2001, tôi có việc ghé qua 81 Trần Quốc Thảo. Buổi sáng, quán nhậu còn vắng, tôi vòng xe ra cổng sau, phía đường Tú Xương, bất chợt gặp Trịnh đang ngồi tần ngần trước ly rượu, cùng với 2 ông bạn hiền là Trần Long Ẩn và Tôn Thất Lập. Như thường lệ, tôi dừng xe chào những bậc “trưởng lão” mà mình hằng kính trọng, nhấp vội hớp rượu từ bàn tay gầy guộc của Trịnh. Không ngờ, đó là lần cuối tôi được nhìn thấy Trịnh Công Sơn!

Lần đầu và lần cuối giữa tôi với Trịnh đều cùng một chốn này!

17668607_1425466460810007_849908074_o.jpg
Quán 81 Trần Quốc Thảo giờ được xây mới khang trang hơn.

Vậy mà Trịnh đi xa đã 16 năm (1/4/2001 - 1/4/2017). Giờ quán xưa đã được xây mới, khang trang hơn nhưng vắng lặng và buồn. Những “cư dân 81” không ít người đã cùng Trịnh bước sang thế giới bên kia, những người còn sống thì phiêu bạt tứ xứ, cũng từng mỏi mắt đi tìm, nhưng chắc không thể có được chốn nào vui bằng chốn ấy ngày xưa.

Chỉ có những câu chuyện đã trở thành giai thoại, gắn bó với những con người từng một thời say sưa nơi quán nhỏ này là vẫn có một đời sống riêng, dai dẳng. Chúng không bao giờ phải về làm cát bụi, như thân phận con người…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn