Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) quay trở lại trạng thái ảm đạm sau chuỗi tăng về mốc 1.290 điểm vào tuần trước.
Áp lực chốt lời bất ngờ dâng cao, tính đến phiên hôm qua (3/10), VN-Index giảm mạnh gần 10 điểm về 1.278,1 điểm. Diễn biến tiêu cực tiếp tục được duy trì vào phiên sáng nay, 4/10. Có lúc, chỉ số VN-Index xuống mức 1.274 điểm.
Xu hướng "giằng co" xuất hiện kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước tới nay, chỉ số gặp áp lực tâm lý quanh vùng 1.300 điểm.
Việc khối ngoại mua ròng trở lại liên tục được xem là điểm sáng trên thị trường chứng khoán tuần này với diễn biến tiêu cực.
Tính riêng phiên 3/10, giá trị mua ròng đạt 488 tỷ đồng trên cả 3 sàn, từ đó, góp phần cải thiện thanh khoản, riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch phiên 3/10 đạt hơn 23.270 tỷ đồng.
Động thái mua mạnh nhất của nhóm nhà đầu tư nước ngoài tập trung tại chứng chỉ quỹ FUEFVND với giá trị đột biến tới 472 tỷ đồng.
Kế tiếp là STB (Sacombank, HOSE) và VHM (Vinhomes, HOSE) với lực gom trên trăm tỷ đồng, lần lượt là 141 và 118 tỷ đồng. Ngoài ra, TCB (Techcombank, HOSE) và VNM (Vinamilk, HOSE) cũng được mua lần lượt 87 và 65 tỷ đồng.
Ngược lại, OCB (OCB, HOSE) chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 59 tỷ đồng. Theo sau, FPT (FPT, HOSE), MSB (MSB, HOSE), VRE (Vincom Retail, HOSE) chịu lực "xả" từ 30 tới 56 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ đầu tháng 10/2024, khối ngoại đã mua ròng với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu tiềm năng về mặt định giá dài hạn như VNM (Vinamilk, HOSE) đạt 881 tỷ đồng, MSN (Masan, HOSE) đạt 694 tỷ đồng,... và nhiều cổ phiếu đầu ngành khác thuộc nhóm VN30.
Bà Lê Thị Nhi, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, động thái này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung và tận dụng tốt cơ hội thị trường đang được định giá hấp dẫn để gia tăng danh mục.
Đáng nói, diễn biến này xuất hiện ngay trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang đón nhận nhiều thông tin tích cực và quan trọng.
Điển hình là chính sách tiền tệ đang dần nới lỏng trở lại của các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giúp dòng tiền dễ dàng phân bổ ra nhiều thị trường khác trên thế giới.
Mới đây nhất, ngay sau Mỹ, ngân hàng trung ương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc, cũng đã tiến hành hạ lãi suất và dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế giúp chứng khoán Trung Quốc trong các ngày qua liên tục tăng mạnh và đột biến về thanh khoản giao dịch.
Bên cạnh đó, việc gỡ vướng quy định tháo nút thắt cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không cần ký quỹ (Pre-funding) từ Bộ Tài chính, đóng vai trò là thông tin quan trọng nhất, giúp khơi thông tâm lý và các dòng vốn lớn để chảy vào thị trường.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng giúp gia tăng tâm lý tích cực hơn và niềm tin vào thị trường được cải thiện tốt hơn.
Điều này thể hiện rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã có tầm nhìn và đánh giá toàn diện hơn về kinh tế cũng như tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam.
Niềm tin này phần nào thúc đẩy thêm hoạt động mua ròng của khối ngoại với việc tăng cường giao dịch nhiều hơn. Từ đó, giúp gia tăng thanh khoản cho thị trường, lực cầu cho các cổ phiếu được cải thiện, đồng thời, tạo ra triển vọng tăng giá cho các cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành.
Ngoài ra, xu hướng mua ròng của khối ngoài còn góp phần tạo tiền đề tích cực cho tâm lý chung của thị trường. Bởi thực tế, xu hướng đầu tư của nhà đầu tư trong nước thường theo xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài.
Lý giải cho điều này, bà Nhi cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là các quỹ) thường có xu hướng mua vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong các ngành trọng điểm của thị trường Việt Nam như Ngân hàng, Bất động sản, Tiêu dùng,... Vì vậy, điều này cũng sẽ tạo ra những tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu top đầu thị trường như VN30 (SSI, FPT, TCB, VNM, FPT,...).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn