Tin không vui với VietinBank trước thềm đại hội cổ đông

16:11 | 29/03/2019;
Năm 2019, VietinBank trình với cơ quan quản lý và Bộ Tài chính xin được giữ lại lợi nhuận hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm bổ sung vốn, song vẫn như những lần trước, đề xuất của VietinBank lần này có thể chỉ nhận được cái lắc đầu.
Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, thời hạn áp dụng Basel II trong hệ thống ngân hàng sẽ có hiệu lực. Nhiều ngân hàng đáp ứng được các tiêu chuẩn hoạt động khắt khe hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, thách thức huy động vốn của các ngân hàng cũng ngày càng nặng nề hơn. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng không ngoại lệ. “Ông lớn” này có vẻ như vẫn đang loay hoay trong “vòng xoay” tăng vốn trong khi thời điểm áp dụng Basel II đang đến rất gần.
 
hopbaocophanhoa.jpg
Trong cuộc họp báo chuyên đề mới đây do Bộ Tài chính tổ chức, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng đề xuất của VietinBank khó được chấp thuận.

 

Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã xuống mức 64,46% trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã được lấp đầy, bởi theo như Quyết định 58/2016/QĐ-TTG của Thủ tướng, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ sở hữu của nhà Nước trong các ngân hàng không được giảm dưới 65%. Điều này khiến việc tăng vốn đối với VietinBank là một điều không hề dễ dàng bởi Chính phủ không có kế hoạch đầu tư thêm ngân sách vào ngân hàng thương mại. Trong khi đó, theo quy định, tỷ lệ vốn cấp II không được quá 50% vốn cấp 1, đến nay cũng đã được ngân hàng khai thác tới hạn.
 
Thực tế, không riêng gì VietinBank, hầu như trong 3 năm qua, ngân hàng nào cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn, có tăng ít lẫn tăng nhiều, nhưng nhiều ngân hàng không thể hoàn thành mục tiêu đưa ra. Có nhiều lý do, trong đó vì ngân hàng Việt chưa thực sự hấp dẫn và thị trường không tích cực và cả hệ thống “đói vốn”. Mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng hệ thống ngân hàng Việt sẽ thiếu hụt khoảng vốn gần 20 tỉ USD để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel II. Con số ước tính đầu năm 2018 của SSI Research là 3,8 tỉ USD, còn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng các ngân hàng phải tăng vốn lên gấp đôi.
 
Để đối phó với thực trạng “đói vốn”, VietinBank đã nhiều lần trình với cơ quan quản lý và Bộ Tài chính xin được giữ lại lợi nhuận hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm bổ sung vốn, củng cố tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) trong bối cảnh thời hạn áp dụng Basel II đang đến gần. Tuy nhiên, đề nghị này của VietinBank đều bị các cơ quan có thẩm quyền từ chối.
 
Mới đây, HĐQT VietinBank vừa thông qua Nghị quyết về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự là ngày 19/3 và ngày 23/4 là ngày dự kiến diễn ra đại hội. Trong đó, một trong những nội dung có lẽ sẽ được chú ý nhất tại đại hội lần này là tờ trình thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2018. Đây là điều mà đến nay VietinBank vẫn loay hoay chưa có phương án khả thi để giải quyết.
 
Liên quan đến câu chuyện xin giữ lại lợi nhuận để tăng vốn của VietinBank, trước câu hỏi của báo chí, trong cuộc họp báo chuyên đề mới đây do Bộ Tài chính tổ chức, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng đề xuất của VietinBank khó được chấp thuận.
 
“Quan điểm của chúng tôi là theo đúng như quy định của pháp luật, cổ tức là phải nộp vào ngân sách nhà nước, còn nộp như thế nào thì tùy từng doanh nghiệp, ngân hàng. Trước đây, đối với các đề xuất của ngân hàng thương mại, thường là do Thống đốc Ngân hàng quyết định, nhưng mà quyết định thế nào thì cũng đều phải căn cứ trên cơ sở pháp luật cả. Đối với đề xuất của VietinBank, pháp luật đã quy định rõ rồi, cổ tức là phải nộp về ngân sách nhà nước thì cứ vậy mà thực hiện”, ông Đặng Quyết Tiến nói.
 
Hẳn đây sẽ là một tin không vui đối với VietinBank trước thềm đại hội cổ đông 2019, bởi dù chưa chính thức bằng văn bản, song đây có thể được xem là quan điểm của Bộ Tài chính đối với đề nghị giữ lại lợi nhuận của ngân hàng này.
 
Thua lỗ và tụt hạng
 
Trong hệ thống ngân hàng, VietinBank là 1 trong 4 "ông lớn" ngân hàng có sức ảnh hưởng lớn nhất và cũng có những chỉ số kinh doanh ấn tượng nhất. Xét riêng về lợi nhuận, VietinBank vài năm qua đều duy trì được vị trí vững chắc trong top 3 cùng với Vietcombank và BIDV. Thế nhưng năm 2018, ngân hàng này đã rơi xuống vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng, phải đứng sau Vietcombank, Techcombank, VPBank, BIDV và cả hai cái tên hoàn toàn bất ngờ là MB hay Agribank. Nếu so với Vietcombank – ngân hàng những năm trước chỉ nhỉnh hơn VietinBank chút ít, thì năm qua lợi nhuận chỉ bằng có 1/3.
 
Nhìn vào báo cáo tài chính, nguyên nhân chính là do quý 4 VietinBank bị thua lỗ trước thuế đến 853 tỷ đồng, kéo kết quả lợi nhuận cả năm xuống chỉ còn 6.742 tỷ. Đồng thời, VietinBank cũng xếp vào trong nhóm hiếm hoi là 4 ngân hàng thua lỗ trong quý 4, cùng với Eximbank (lỗ 309 tỷ), VietCapital Bank (lỗ gần 84 tỷ) và Saigonbank (lỗ gần 70 tỷ).
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn