Câu chuyện thứ nhất
Câu đầu tiên của cô gái khiến Thanh Tâm giật mình: "Cô là Thanh Tâm phải không ạ? Thú thật với cô, nhiều lúc cháu chỉ muốn chết". Cô nói chuyện với Thanh Tâm với giọng thật buồn.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà lại chỉ toàn con gái nên 4 chị em cô phải sống và lớn lên trong không khí của một gia đình không hạnh phúc. Bố cô giờ đã gần 70 nhưng vẫn còn chì chiết mẹ cô vì không thể sinh cho ông một thằng con trai nối dõi. Mẹ cô dường như cũng nhận thấy đây là khuyết điểm của mình, nên suốt đời luôn chịu đựng, dù ông bố có dằn vặt, thậm chí đôi khi uống rượu vào ông còn đánh đập.
Chính vì không khí gia đình căng thẳng nên các chị cô, hễ bước vào tuổi thanh niên là đều tìm cách lấy chồng sớm và đương nhiên, cuộc sống của họ cũng không mấy ổn thỏa. Bản thân cô, tuy chịu khó học hành nhất nhà nhưng cũng chỉ đủ điểm vào trung cấp.
Hiện cô đã ra trường nhưng vẫn chưa có việc làm mà mẹ lại đang ốm. Thêm vào đó, hồi còn đang học, do còn quá ngây thơ, cô đã bị người ta lợi dụng cướp đi sự trong trắng nên giờ dù có người muốn đặt quan hệ, cô cũng e ngại không dám nhận lời. Tất cả những điều đó khiến cô thấy mình đang ở con đường hầm không lối thoát. Cô liên tục mất ngủ, cảm thấy bi quan, chán nản và mất hẳn lòng tin vào cuộc sống, dù chỉ mới chưa đầy 22 tuổi.
Quả thật, những thử thách mà cô gái này phải gánh chịu đối với bản thân cô không hề nhỏ và cũng không phải dễ dàng vượt qua. Thanh Tâm đã kể với cô những cuộc đời khác mà Thanh Tâm từng gặp, từng chứng kiến để cô gái thấy, cô hoàn toàn có cơ hội xây dựng, tạo lập cho mình một cuộc sống khác tốt đẹp hơn, nếu như cô cố gắng vượt lên chính mình. Gần 70 phút tâm tình trôi qua, Thanh Tâm đã có được tiếng cười và lời hứa hẹn từ cô gái. Cô nói, cô sẽ cố gắng tìm bằng được việc làm, sẽ ổn định cuộc sống riêng. Trước mắt, để có tiền sinh hoạt và giúp mẹ chữa bệnh, cô sẽ nhận thêu áo gia công (cô tiết lộ là mình thêu khá đẹp) cho một cơ sở may đo áo dài có tiếng.
Câu chuyện thứ hai
Gọi đến cho Thanh Tâm là một cô gái mới lấy chồng được hơn 2 năm, ở nhà chăm cậu con trai gần 14 tháng. Sau khi cưới, cô ở với bố mẹ chồng còn chồng cô đi làm tận trong Nam, chỉ về nhà vào dịp Tết. Cô tâm sự, nếu như chồng cô là người thủy chung thì cô đã không lo lắng gì, đằng này luôn có tin đồn về việc anh ấy lăng nhăng hết cô này sang cô khác. Cô còn kể cho Thanh Tâm nghe, mình đã đọc được nhiều dòng tin nhắn tình cảm, nghe được những đoạn điện thoại tình cảm giữa chồng và những người con gái khác dịp anh về nghỉ cùng gia đình. Khi cô hỏi, chồng cô không hề chối bỏ mà còn nói anh chỉ làm như vậy cho vui thôi.
Chính vì không tin tưởng chồng nên cô quyết định bồng con vào Nam ở với chồng. Mẹ chồng gọi điện liên tục bắt cô phải về quê; chồng cô nghe mẹ cũng buộc cô phải về. Về quê, cô lo chồng sẽ tiếp tục cặp bồ nhưng không về lại sợ mẹ chồng giận nên hiện không biết phải giải quyết ra sao.
Về phía bản thân cô, sau khi lấy chồng, vì bận sinh con và cũng là thể theo nguyện vọng của gia đình, cô đã bỏ việc sống dựa hoàn toàn vào nhà chồng nên lúc nào cũng cảm thấy yếu thế. Mà thực tế, trong gia đình, tiếng nói của cô không hề được coi trọng. Chính vì vậy, dù Thanh Tâm đã phân tích để cô thấy là vợ chồng thì việc sống gần nhau để gìn giữ hạnh phúc là điều nên làm nên việc cô vào sống với chồng là đúng, nhất là khi cô hoàn toàn có thể xin được việc làm tại nơi ở mới này nhưng cô gái vẫn băn khoăn, lo sợ đủ điều bởi cô hoàn toàn không tin vào bản thân mình. Chỉ tới khi Thanh Tâm khuyên cô hãy đi làm, hãy tự sống bằng chính đồng tiền do mình kiếm ra để có cơ hội thoát khỏi phận "tầm gửi", có tiếng nói trong gia đình chồng và khẳng định giá trị của mình với chồng. Lúc này cô mới bừng tỉnh, hạ quyết tâm sẽ tìm việc và làm thật tốt để tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Tuy câu chuyện của hai cô gái trên đây không giống nhau nhưng điểm chung của họ chính là sự bế tắc trong cuộc sống mà họ không thể tự vượt qua vì bản thân họ không hề có lòng tin vào chính mình. Nếu bản thân còn không tự tin vào khả năng của mình thì sao người khác lại có thể tin mình được?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn