Thuốc lá điện tử đang đe dọa người trẻ
Chiều 24/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Một số ĐBQH đặc biệt quan tâm đến chất gây nghiện khá mới trong thanh, thiếu niên là thuốc lá điện tử với nhiều biến thể, từ đó đề xuất có cách thức quản lý chặt chẽ hơn với chất kích thích này.
ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) trích dẫn một bài nghiên cứu được đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu lập pháp, trong đó dẫn thông tin, Philip Morris - một công ty về thuốc lá nước ngoài - đã làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng vào tháng 5/2019 về thuốc lá thế hệ mới, trước khi bộ tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm này được ra đời.
Điều đáng nói, trong khi 24 quốc gia khác cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, 17 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá nung nóng, phần lớn các quốc gia ASEAN đều ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới, thì có thể thấy Philip Morris không những nghiên cứu rất kỹ về thị trường Việt Nam vốn quá dễ tính mà còn cả các mối quan hệ, sự tích cực và nhiệt tình với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo ĐB Trọng Nhân, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vốn sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường mà phối trộn nhiều thành phần khác, không loại trừ bị lợi dụng để phối trộn cả ma túy.
"Thực tế, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa phối trộn trong thuốc lá điện tử. Trong khi chúng ta luôn coi thế hệ trẻ là "rường cột quốc gia", ở một phương diện ngược lại thì thanh, thiếu niên lại là đối tượng mà ngành thuốc lá nhắm tới. Cái gọi là "tiêu chuẩn quốc gia" đó có giúp gì cho giới trẻ thêm khỏe mạnh, minh mẫn hay ngược lại gián tiếp đẩy họ sa vào con đường nghiện ngập. Vậy tuổi trẻ sẽ chung vai, góp sức vào thịnh vượng của đất nước như thế nào?", ông Nhân đặt vấn đề.
ĐB Trọng Nhân ẩn dụ, ngành công nghiệp thuốc lá mon men, gặm nhấm tinh anh của thế hệ trẻ bằng thuốc lá thế hệ mới. "Với vòi bạch tuộc này, chúng ta phải trang bị vaccine nào để tăng sức đề kháng cho xã hội, nhằm bảo vệ tương lai của đất nước trước ý đồ mà một chuyên gia ngành y cho rằng, không gì có thể thâm độc hơn?", ĐB Trọng Nhân phát biểu.
Theo ĐB Nhân, cuộc chiến chống ma túy còn quá nhiều cam go và sẽ còn cam go hơn nếu trong các quyết định về quản lý còn chưa cân nhắc đến tất cả các khía cạnh liên quan đến ma túy như đã phân tích ở trên.
"Thể chế nhất định phải là môi trường vô trùng để bảo vệ con người, nhất là giới trẻ, những người sẽ kế tục, giữ vững cơ đồ, tiềm lực, vị thế hôm nay và những mục tiêu lâu dài, vĩ đại của Đảng, Nhà nước", ĐB Nhân nhấn mạnh.
Đề nghị cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) - nguyên Giám đốc Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cũng nhấn mạnh đến nguy hại của thuốc lá điện tử. Đây là vấn đề mà không phải lần đầu tiên ông đề cập tại nghị trường. "Tại kỳ họp thứ 10, tôi đã phát biểu về vấn đề này, xin nhắc lại như sau, thuốc lá điện tử là rất nguy hại, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm như hô hấp, tim mạch, ung thư..., làm ảnh hưởng đến tính mạng của Nhân dân", ông Trí nói.
Theo ĐB Anh Trí, thuốc lá điện tử đang đầu độc Nhân dân qua hút chủ động, đặc biệt là hút thụ động. Thuốc lá điện tử đang nhắm chủ yếu đến người trẻ tuổi và lan rất nhanh, vì vậy gây hại rất nghiêm trọng cho thế hệ trẻ. Thuốc lá điện tử là điều kiện thuận lợi để cho người hút sử dụng ma túy.
Phân tích điều này, ĐB Nguyễn Anh Trí cho biết, thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống nhiều lần, vì người dùng có thể tự phối trộn với các nguyên liệu khác nhau, thậm chí là phối trộn cả ma túy để sử dụng, nhiều trường hợp sau khi hút đã phải cấp cứu do ngộ độc.
"Thêm một lần nữa tôi đề nghị Quốc hội, đề nghị Chính phủ vì sinh mạng của Nhân dân nên có quy định cấm ngay, cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử. Xin đừng chậm trễ. Nếu chúng ta chậm tệ có thể sẽ phải trả giá bằng sự băng hoại sức khỏe của Nhân dân và rồi đây có thể phải tốn một khoản kinh phí khổng lồ để chấm dứt một loại hình độc hại giết người có tên là thuốc lá điện tử", ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn