Tỉnh Đăk Nông: 38 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn chính sách

15:56 | 22/08/2022;
Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu triển khai thành 18 chương trình tín dụng, 69 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, có 38 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn là minh chứng cho sự thành công của 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ tại tỉnh Đăk Nông.

UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/10/2002 (Nghị định 78) về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Với đặc điểm thuộc vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, Đăk Nông là nơi sinh sống của 40 dân tộc anh em, có 31,73% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng hàng năm tỉnh Đăk Nông luôn ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách để ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội với phương châm "năm sau cao hơn năm trước".

Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm

Trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn ưu đãi, chi nhánh đã phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có tổng dư nợ đạt trên 3.527 tỷ đồng, gấp hơn 121 lần so với thời điểm thành lập. Để giải ngân nguồn vốn, đã có hơn 1.580 Tổ tiết kiệm vay vốn tại 789 thôn, bon, buôn, tổ dân phố là cầu nối mang nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với người dân. Hoạt động 71 Điểm giao dịch xã, phường được duy trì ổn định, hiệu quả; tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong quá trình vay vốn, trả lãi, gốc ngân hàng. Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ.

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp 69 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để phục vụ phát triển kinh tế. Trong đó, có 38 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn, với dư nợ 1.230 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Đến hết năm 2021, Đắk Nông có 11,19% hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều, giảm hơn 44,8% so với năm 2004. Toàn tỉnh có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 78, nguồn lực về vốn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của địa phương. Chất lượng tín dụng giữa các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chưa đồng đều. Công tác lồng ghép nguồn vốn vay với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư chưa được chú trọng.

Tỉnh Đăk Nông: 38 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn chính sách - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/10/2002 (Nghị định 78) về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Tỉnh Đăk Nông.

Phát huy hiệu quả sử dụng vốn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tỉnh Đăk Nông Điểu K’Ré nhấn mạnh: Tín dụng ưu đãi đóng góp rất quan trọng trong công tác giảm nghèo tại tỉnh Đắk Nông thời gian qua. Tỉnh ủy Đắk Nông xác định nguồn tín dụng chính sách là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm sâu sát hơn đến việc cân đối, ưu tiên ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để tạo cơ hội cho nhiều người dân được vay vốn ưu đãi của Nhà nước. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ uỷ thác, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến sâu rộng trong người dân, giúp họ xây dựng các mô hình sinh kế, đào tạo nghề gắn kết hộ vay để phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, đặc biệt quan tâm đến nguồn lực, nhất là nguồn lực từ vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng CSXH để tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Các đơn vị chủ lực linh hoạt tranh thủ nguồn lực từ Trung ương kết hợp với nguồn lực địa phương, bảo đảm thực hiện hiệu qủa các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận tổ quốc, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với Ngân hàng CSXH đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Nhân dịp này, Ban đại diện Hội đồng quản trị chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã trao 4 căn nhà tình nghĩa cho 4 hộ nghèo tại các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Krông Nô và Đắk Song. xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Dịp này, Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể Ban đại diện Ngân hàng CSXH các cấp và 114 cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là các tổ trưởng, các hộ vay vốn.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn