Tính đố kị - nguồn gốc khiến trẻ bắt nạt bạn

19:15 | 15/10/2021;
Thấy em được bố mẹ chiều chuộng hơn, người anh liền tỏ ra ganh ghét và tranh thủ không có bố mẹ ở bên là bắt nạt em. Thấy bạn bè có đồ chơi đẹp, đạt điểm cao, được cô giáo khen, đứa trẻ cảm thấy ganh tị. Chúng thèm muốn những gì người khác có và mong ước nó là của bản thân. Từ sự ganh ghét ấy, chúng liền tìm cách bắt nạt bạn bè.

Chị Nguyễn Minh Duyên (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cảm thấy lo lắng khi con hay có tính đố kỵ. Chỉ cần thấy mẹ mua cho em bộ quần áo hay đồ chơi mới là cậu khó chịu. Tranh thủ mẹ không để ý, cậu ném đồ chơi xuống đất và giẫm đạp lên chúng. Khi thấy em được bố mẹ quan tâm hơn, Bon ghét em "ra mặt". Cậu thường xuyên cấu trộm em và cảm thấy sung sướng khi em khóc thét lên. Đặc biệt, cậu rất ghét cậu bé hàng xóm là bạn học cùng lớp của mình. Chỉ vì cậu bé ấy học giỏi hơn, được nhiều điểm cao hơn. Thế nên, ở lớp, Bon thường hay rủ các bạn nói xấu, bắt nạt người bạn này.

Ở tuổi teen, việc bắt nạt bạn thể hiện rõ hơn với những trẻ có tính đố kỵ. Huyền Anh (lớp 8) "ghét cay ghét đắng" khi cô bạn trong lớp vừa học giỏi, lại xinh đẹp, nhà giàu. Mỗi lần thấy bạn đăng ảnh trên facebook được nhiều lượt "like" và bình luận, cô như muốn "phát điên". Nhìn lại cuộc sống của mình, cô thấy thật tầm thường. Mọi thứ với cô làng nhàng, từ nhan sắc đến học lực, đến gia cảnh. Thế nên, cô cảm thấy rất ganh tị với người bạn "có tất cả" kia. Thế nên, chỉ cần nghe thấy cô giáo hoặc bạn bè khen người bạn này, Huyền Anh rất ganh ghét. Không ít lần, cô "dựng chuyện" để nói xấu người bạn này trên facebook. Cô còn lập nhóm, lôi kéo một số bạn trong lớp tẩy chay người bạn này.

Theo các chuyên gia tâm lý, tính đố kị nổi lên khi một người cảm thấy kém cỏi, trống rỗng hay không có giá trị. Trong những trường hợp này, đứa trẻ muốn thu hẹp khoảng cách giữa những gì chúng có và những gì chúng muốn. Vì vậy, mục đích đằng sau hành vi bắt nạt là để bênh vực cảm xúc tự tôn của bản thân khi gây ra bất lợi cho người khác. Ngoài ra, tính đố kị có thể được gây nên bởi sự cạnh tranh. Trẻ em có thể ganh đua trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống bao gồm trong các mối quan hệ, điểm số và địa vị. Thông thường, trẻ có tính ganh đua và đố kị với người có lợi thế hoặc quyền lực hơn mình. Chúng không thể chấp nhận thành công của người khác vì điều đó khiến chúng cảm thấy kém cỏi hơn hay kém hoàn hảo. Kết quả là, trẻ dùng đến bắt nạt. Mục đích của hành vi bắt nạt là để loại bỏ sự cạnh tranh hay để tìm cách đoạt lại địa vị của đối thủ. Trẻ tin rằng bằng cách hạ thấp thành công của người khác thì chúng có thể khiến bản thân cảm thấy tốt hơn. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ có thể diễn ra theo cách này.

Chính vì vậy, nếu thấy con mình đang có tính đố kị, điều quan trọng là cha mẹ phải giải quyết những cảm xúc này ngay lập tức. Cha mẹ cần giúp con tìm ra lí do vì sao chúng cảm thấy ghen tị. Sau đó, phát triển các giải pháp để cải thiện những cảm xúc này. Ví dụ, hãy biến sự ganh ghét đó thành động lực để làm tốt hơn trong mục tiêu của trẻ. Thay vì chú tâm vào những gì trẻ không có, cha mẹ hãy dạy trẻ cách tập trung làm thế nào để đạt được những gì mình mong muốn một cách lành mạnh. Hơn nữa, cần giúp con cải thiện lòng tự trọng và dạy chúng rằng, thành công của người khác không làm hạ thấp đi bản thân của chúng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn