Cần nhiều kịch bản tinh giản chương trình
Tinh giản chương trình học để giảm tải việc học, thi trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, học sinh nghỉ học dài ngày là chủ trương mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định cách đây chưa lâu.
Đây được xem là tín hiệu vui cho học sinh và cả phụ huynh, khi mà hơn hai tháng qua trường học đóng cửa. Học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh lớp 9, lớp 12 bị ảnh hưởng không nhỏ khi đang trong giai đoạn nước rút ôn tập thi chuyển cấp và thi THPT Quốc gia.
Để cụ thể hóa điều này, ngày 25/3, Bộ GD&ĐT đã có hội nghị với các tỉnh, thành phố, đề ra cách thức thực hiện hiệu quả nhất. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nội dung trọng tâm là tinh giản chương trình như thế nào để giảm áp lực học hành cho học sinh, giảm áp lực về tâm lý, giúp cho các em vẫn đủ thời gian hoàn thành chương trình cốt lõi để có thể dự thi vào các kỳ thi quan trọng.
Băn khoăn về điều này, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, đề nghị Bộ cần có nhiều phương án tinh giản chương trình ứng với nhiều kịch bản khác nhau vì dịch bệnh chưa biết bao giờ mới kết thúc. "Trong tình huống học sinh phải nghỉ học dài hơn thì Bộ cũng cần có phương án tinh giản mạnh hơn nữa" – ông nói.
Còn theo Giám đốc sở GD&ĐT Phú Thọ Trịnh Thế Truyền, chủ trương tinh giản chương trình học kỳ 2 cần được xây dựng với quan điểm thống nhất trên cả nước với các điều kiện dạy học rất khác nhau.
"Quỹ thời gian của cấp học lớp 9, 12 còn rất ít, nên cần tăng cường dạy học trên truyền hình như một giải pháp thay thế dạy học truyền thống. Nguyên tắc là học được đến đâu thì yêu cầu về đề thi dừng đến đó. Với các khối khác, có thể dạy bù nội dung kiến thức chương trình còn thiếu của năm nay sang năm học sau" – ông Truyền đề xuất.
Gấp rút rà soát chương trình
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, bước đầu tiên của việc này là đã thành lập các tiểu ban để rà soát, tinh giản chương trình. Những tiểu ban rà soát chương trình bao gồm các chuyên gia giáo dục, tác giả SGK, giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học, hiện đang gấp rút tiến hành việc rà soát.
Theo ông Thành, việc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu, nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại.
Các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề. Việc tích hợp vẫn nằm trong chương/mục SGK nhưng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.
"Trên tinh thần là tinh giản tối đa các kiến thức nâng cao, chủ yếu để học sinh nắm kiến thức cốt lõi. Hiện chưa thể xác định bao giờ học sinh quay lại trường, nên việc tinh giản chương trình để bảo đảm các em được học trên Internet và truyền hình nắm được kiến thức cơ bản, khi các em quay lại trường thì được hệ thống thêm. Sau khi thống nhất các nội dung tinh giản, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng các bài giảng để thống nhất dạy cho học sinh trên toàn quốc" – ông Thành nhấn mạnh.
Quan điểm được thống nhất tại hội nghị là phải đưa ra một "mức trần" thấp nhất trong phương án tinh giản chương trình trong điều kiện có thể bởi phải tính đến tình huống thời gian học trực tiếp còn quá ít. Mong muốn đặt ra của Bộ là học sinh vẫn hoàn thành chương trình năm học này ở mức tối thiểu. Những phần nội dung còn thiếu hụt sẽ được bổ trợ vào năm học sau.
Để tiếp tục duy trì chương trình học, việc học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học trên truyền hình, dạy qua internet đã được Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT để xin ý kiến góp ý trước khi ban hành chính thức. Dự kiến ngày 26/3, Bộ sẽ có văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể việc này.
Một điểm mới của việc dạy học qua truyền hình, theo thông tin từ ông Nguyễn Xuân Thành là sẽ không chỉ dạy trên truyền hình với lớp 9, lớp 12 như nhiều địa phương đang làm hiện nay để phục vụ cho các kỳ thi, mà cần có kế hoạch dạy cho tất cả các lớp từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này là không có sự tương tác nên mỗi nhà trường cần có kế hoạch, phân công giáo viên quản lý chặt chẽ học sinh.
Để làm được điều này, giáo viên bộ môn phải nắm thời khóa biểu môn học, bài học trên truyền hình để soạn hệ thống câu hỏi, hướng dẫn học sinh đọc tài liệu trước. Sau khi học sinh nghe giảng trên truyền hình thì giáo viên cần giao bài tập, sửa bài, giải đáp thắc mắc cho học sinh. "Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ TT-TT và các địa phương để bố trí khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi học sinh, cũng như có thời lượng phát sóng phù hợp trên sóng truyền hình" – ông Thành cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn