Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội hợp pháp khác của nhân dân được thành lập, hoạt động trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện và đảm bảo đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.
Nhân dân cả nước hoan nghênh và kỳ vọng vào việc thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị theo sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây thực sự là một cuộc cách mạng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Vì thế, cùng với việc phải thực hiện công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, phải làm thật tốt công tác sàng lọc bảo đảm giữ chân được những người tài trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá về việc tinh giản biên chế ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội vì không giữ chân được người tài. Đã có không ít cán bộ tốt chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, còn người không tốt và trung bình thì ở lại.
Theo PGS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), để giữ chân người tài trong bộ máy công chức, cần phải giải bài toán cân bằng của 3 yếu tố, bao gồm: lương, cơ hội thăng tiến, học hỏi và các chính sách an sinh.
Theo đó, dù lương ở các nước đang phát triển có thể chưa cạnh tranh được với những nước giàu nhưng phải đảm bảo được cuộc sống của công chức. Tỷ lệ được ông Khương đưa ra ở đây là bằng khoảng 80%.
Tuy nhiên, những nhân sự này phải được đảm bảo có môi trường làm việc thực sự, được tín nhiệm, giao việc, có cơ hội học hỏi, vươn lên. Cuối cùng là các chính sách an sinh, cụ thể là bảo hiểm. Theo ông Khương, nên có chính sách bảo hiểm tốt cho những người làm Nhà nước. Đây là một trong những yếu tố giúp giữ chân người tài.
"Phải có cơ chế thưởng xứng đáng và bắt đầu từ những thách thức. Nếu đi ngay vào các vấn đề lớn như phải cải cách cả hệ thống tiền lương để đổi mới, thì sẽ đi vào bế tắc", PGS. TS Vũ Minh Khương đề xuất.
Ở nước ta, cùng với việc tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị, các chính sách về tiền lương, bảo hiểm cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng đang được tiến hành. Thế nhưng, theo Nghị quyết số 159/2024/QH15 vừa được Quốc hội ban hành thì chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Quốc hội cho phép từ ngày 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế.
Vì vậy, đông đảo cử tri đề nghị, để giữ chân được người tài trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị thì đến năm 2026 phải tăng tiền lương cho người làm việc ở khu vực công (quỹ lương không thay đổi, nhưng số người làm việc giảm hơn so với năm 2025).
Điều quan trọng nhất để giữ chân người tài làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị là phải tạo dựng được môi trường làm việc thuận lợi cho những người này. Thực tế thời gian qua, đã có không ít địa phương "trải thảm đỏ" để cầu hiền tài với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, như:
Hỗ trợ ban đầu với số tiền lớn, chế độ tiền lương, tiền thưởng cao cùng những ưu đãi về nhà ở, phương tiện... nhưng chỉ được một thời gian là người tài "nói lời chia tay" với lý do môi trường làm việc không phù hợp.
Cách đây 10 năm, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5715 thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học.
Trong 4 năm (2014 - 2018) đã thu hút 17 chuyên gia (trong đó có 8 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, 2 chuyên gia là người Việt Nam ở trong nước và 7 chuyên gia là người nước ngoài) theo quyết định này. Nhưng cho đến hiện nay, số chuyên gia này còn tiếp tục công tác chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là cần thiết và cấp bách lúc này. Để công việc này thành công như sự kỳ vọng của nhân dân, cùng với việc ban hành chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho những người sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt để rời công sở, cũng cần có chính sách giữ chân người tài ở lại, trong đó phải tạo dựng được môi trường làm việc dân chủ, công bằng, minh bạch để có thể phát huy tối đa khả năng cho người tài sáng tạo, cống hiến cho cơ quan, doanh nghiệp và cho xã hội.
Vấn đề quan trọng nhất là phải biết sử dụng nhân tài đúng với năng lực, sở trường của họ và biết phát huy tính chủ động, sáng tạo của họ, tạo một môi trường thuận lợi để họ có thể cống hiến cao nhất cho tổ chức, cơ quan và cho đất nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn