Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 30/6 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng lên 507.518 ca trong số 10.402.637 ca mắc. Trong khi đó, số ca được chữa khỏi bệnh là hơn 5,6 triệu người.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 6 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, dịch bệnh “thậm chí chưa gần đến hồi kết thúc."
Ông Ghebreyesus thông báo WHO sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Hiện Mỹ vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 2.681.775 ca mắc, trong đó có 128.777 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 1.370.488 ca mắc và 58.385 ca tử vong, Nga với 641.156 ca mắc và 9.166 ca tử vong, Ấn Độ với 567.536 ca mắc và 16.904 ca tử vong.
Khu vực Mỹ Latinh vẫn là một điểm nóng trên thế giới khi chứng kiến số ca mắc COVID-19 trong một tháng qua tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người.
Ngày 29/6, số ca mắc tại Mexico đã tăng lên hơn 220.000 người. Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc tăng lên 220.657 người, trong đó có 27.121 ca tử vong, tăng tương ứng 3.805 ca bệnh và 473 ca tử vong trong 24 giờ qua, và 66.910 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
Cơ quan chức năng cho biết hơn 29.000 bác sỹ và y tá tại Mexico mắc COVID-19 và điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt đội ngũ bác sỹ trong công tác điều trị bệnh nhân.
Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc COVID-19 ở các nước Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca bệnh là 77.239 người, trong đó có 2.005 ca tử vong.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) muốn dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đối với công dân của 14 quốc gia từ ngày 1/7 bao gồm Algeria, Australia, Gruzia, Nhật Bản, Canada, Maroc, Montenegro, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay.
Tuy nhiên, các hạn chế nhập cảnh chỉ được dỡ bỏ nếu các nước này cũng dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Đức cũng như công dân các nước EU.
Theo đề xuất của EU, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 2 tuần vừa qua sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xem xét nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với công dân của quốc gia đó.
Ngoài ra, cách ứng phó của quốc gia với đại dịch cũng sẽ đóng một vai trò trong quá trình xem xét. Một trong những tiêu chí là số lượng ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 2 tuần phải đạt dưới mức 16 người, tương đương mức trung bình của EU.
Trong khi đó, dịch bệnh tại châu Phi diễn biến phức tạp sau khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) cho biết, tính đến chiều 29/6, Lục địa Đen ghi nhận tổng cộng 382.652 ca mắc, tăng 11.104 ca so với một ngày trước đó.
Bên cạnh đó, số ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ qua là 173 ca, nâng tổng số ca tử vong ở châu lục này lên 9.657 ca.
Theo CDC châu Phi, khu vực miền Nam châu Phi là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó Nam Phi ghi nhận 144.264 ca mắc bệnh và 2.529 ca tử vong, Ai Cập với 66.754 ca nhiễm và 2.872 ca tử vong, Nigeria với 24.567 ca nhiễm và 565 ca tử vong.
Theo Giám đốc của CDC châu Phi, ông John Nkengasong, kể từ tuần trước, số ca mắc COVID-19 tại châu Phi đã bắt đầu tăng nhanh sau khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp cách ly với mong muốn sớm khôi phục nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê, một số quốc gia đang có số ca nhiễm mới tăng mạnh trong 24 giờ qua sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly như Ghana ghi nhận thêm 609 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này là 17.351 ca nhiễm và 112 ca tử vong; Algeria ghi nhận thêm 298 ca nhiễm và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc này là 13.571 ca nhiễm và 905 ca tử vong; Maroc ghi nhận thêm 238 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia này là 12.290 ca nhiễm và 225 ca tử vong.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn