Hội thảo "Lồng ghép giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm vào Luật Phòng chống mua bán người" là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2023, với thông điệp "Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau".
Tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi trên toàn cầu với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người. Tại Việt Nam, riêng 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm mua bán người nội địa và ra nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2022; cụ thể số vụ được cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố mới và tiếp tục điều tra tăng 55 vụ và tăng 154 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2018 - 2022, đã xảy ra 394 vụ mua bán người với 1.019 nạn nhân bị mua bán, trong đó 744 là nữ (chiếm 73%)
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực 1/1/2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan chức năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người.
Việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng tệ nạn mua bán người, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển số nhanh chóng, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập, trong đó có những vấn đề liên quan đến lồng ghép giới, bình đẳng giới, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Với chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam xác định trách nhiệm của mình trong việc tham gia phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); trong đó triển khai đề tài "Nghiên cứu rà soát vấn đề giới trong phòng, chống mua bán người". Đồng thời trong suốt quá trình xây dựng luật, Hội cũng sẽ tích cực chủ động tham gia và tổ chức cho hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến.
Tại Hội thảo này, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận vấn đề lồng ghép giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm vào Luật Phòng chống mua bán người, từ đó, kiến nghị đề xuất sửa đổi bổ sung những quy định liên quan đến bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Qua điểm cầu trực tuyến, bà Lucia Pietropaoli, Giám đốc Chương trình ASEAN cấp khu vực, cũng cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các đối tượng mua bán người lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân để mua bán. Các nạn nhân phần lớn là phụ nữ, trẻ em; họ bị bóc lột lao động, xâm hại… Theo bà Lucia Pietropaoli, rất cần thiết đẩy mạnh việc lồng ghép giới trong các văn bản pháp luật, đảm bảo nhạy cảm giới trong các hoạt động bảo vệ quyền của nạn nhân, cũng như đảm bảo hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân phục hồi và hòa nhập với cộng đồng.
Mua bán người được Liên hợp quốc xếp hạng là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành đã lồng ghép một số nguyên tắc về giới và bình đẳng giới trong các quy định về: nguyên tắc phòng, chống mua bán người; hành vi bị nghiêm cấm; các quy định về nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; Luật cũng giao trách nhiệm cho "Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người…".
Từ khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2012) đến ngày 15/02/2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố 1.744 vụ với 3.059 bị can; tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 người là nạn nhân của tội phạm MBN. 100% các nạn nhân khi được giải cứu, tiếp nhận, xác minh đều được các lực lượng chức năng hỗ trợ ban đầu và tiến hành các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Qua kết quả tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người cho thấy: Cùng với công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người thì việc tiếp nhận, xác định, giải cứu nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được kết quả đáng kể, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Luật hiện hành được thông qua năm 2011 bộc lộ một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế, phần nào hạn chế hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người; không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các văn bản luật được ban hành sau, như: Hiến pháp 2013; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi năm 2020) với nguyên tắc "bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật".
Đặc biệt, các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, như về chính sách hỗ trợ nạn nhân học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, trợ giúp pháp lý phải thuộc diện hộ nghèo. Một số quy định hiện hành không theo kịp thực tiễn, như: các cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ ban đầu cho các cá nhân nghi là nạn nhân bị mua bán nhưng trong Luật chưa có quy định về hỗ trợ các cá nhân trong quá trình xác minh là nạn nhân bị mua bán...
Dự báo trong thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về số vụ, số nạn nhân; các đối tượng mua bán người tăng cường sử dụng công nghệ để xây dựng mối quan hệ với nạn nhân; tuyển mộ nạn nhân bằng cách lợi dụng kẽ hở của pháp luật và hoạt động với vai trò "môi giới" nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, hiến tạng, đưa người đi lao động hoặc du lịch nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người, cần đảm bảo lồng ghép giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong tất cả các thời điểm, giai đoạn từ phòng ngừa, phát hiện, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân hiệu quả.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các tổ chức, đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương cùng tập trung thảo luận, chia sẻ về những quy định, nội dung chưa đảm bảo yếu tố giới, còn mang tính phân biệt đối xử giới gây ra những hạn chế trong công tác Phòng chống mua bán người cũng như hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân mua bán người cần phải điều chỉnh, bổ sung; Làm rõ hơn nữa cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và những chính sách đặc thù cần thiết để hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là các giai đoạn tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; công tác giải cứu, điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người; bảo vệ nạn nhân trong Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi.
Để chuẩn bị cho quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ Công an đề xuất 03 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) bao gồm:
(1) Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân;
(2) Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân;
(3) Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn