Tính mạng trẻ sẽ nguy hiểm nếu cha mẹ chạy theo trào lưu anti vaccine

14:15 | 22/01/2019;
“Đừng bao giờ bắt con bạn chịu trách nhiệm cho những kẻ ích kỷ khác và một ngày nào đó khi chúng lớn lên và hiểu chuyện, bạn sẽ dằn vặt suốt phần còn lại của cuộc đời”.

Bác sĩ chuyên khoa I Nhi-Sơ sinh (Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh) Đỗ Mạnh Hà chia sẻ quan điểm trước một số thông tin trên mạng gần đây kêu gọi phản đối vaccine (anti vaccine).

Theo bác sĩ Hà, có những kẻ luôn nghi ngờ các công ty dược lớn (Big Pharma) đang cố gắng kiếm tiền bằng cách tung ra các sản phẩm chủng ngừa và thậm chí thêm chất độc vào vaccine để kiếm lợi nhuận. Những người này hoàn toàn có quyền từ chối tiêm chủng với lý do nghe có vẻ phù hợp đó. Tuy nhiên, việc này sẽ không nghiêm trọng nếu họ không tiếp tục mở các hội nhóm và kêu gọi cộng đồng tẩy chay các vaccine bằng cách tung ra những "chứng cứ" của họ. Hệ lụy đó là một loạt ông bố, bà mẹ thông thái khác, sau khi vào google tra 5 phút thì quyết định tin theo họ và không tiêm chủng cho con.

img_1173-dung.jpg
Tiêm vacine phòng bệnh cho trẻ tại Yên Bái

 

Dịch sởi đang diễn ra tại TP.HCM. Trong số những trẻ mắc sởi, có không ít bé không được tiêm phòng hoặc tiêm không đủ mũi. Nhiều ông bố, bà mẹ khi được hỏi cho rằng, vì bận mưu sinh nên không đưa con đi tiêm đầy đủ.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Mạnh Hà cho rằng, các ông bố, bà mẹ cần bố trí thời gian hợp lý để đưa con đi tiêm chủng. Bởi dịch bệnh truyền nhiễm luôn có nguy cơ bùng phát và nếu trẻ không tiêm phòng thì rất dễ mắc bệnh. “Không ai dám chắc rằng, khi ra đường, con bạn không tiếp xúc với người mắc sởi. Nếu không tiêm phòng thì trẻ dễ lây bệnh, còn nếu đã tiêm đủ mũi thì gần như chắc chắn, trẻ không mắc bệnh”, bác sĩ Hà cho biết.

“Đừng để con bạn bị viêm màng não do một bệnh mà đã có vaccine phòng ngừa để rồi bị biến chứng liệt nằm một chỗ. Đừng để con bạn viêm gan B mạn rồi đi hỏi cách chữa. Lúc đó có muốn tiêm chủng thì cũng không tiêm được. Và muốn chữa thì chưa chắc khỏi hoàn toàn”, bác sĩ Hà nêu quan điểm.

Lí giải nguyên nhân một số trẻ phán ứng khi tiêm vaccine

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), nhờ sử dụng vaccine dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số ca mắc, số người chết. Trước khi sử dụng vaccine, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, bệnh đã được thanh toán vào năm 1979. Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu với các thành tựu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh; số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm; số mắc ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

acvd.jpg
Theo GS Đặng Đức Anh, thông thường mỗi cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h

 

Tại Việt Nam, thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 thấy: Bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần.

Hiệu quả của tiêm vaccine phòng bệnh đã được chứng minh. Tuy nhiên, không có một loại vaccine nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vaccine tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Theo GS Đặng Đức Anh, Viên trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thông thường mỗi cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vaccine như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine lại có trẻ phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vaccine. 

Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng 

- Bộ Y tế đã có những hướng dẫn, đào tạo cho các cán bộ từ tuyến tỉnh/thành cho đến xã phường về việc khám sàng lọc trước khi cho trẻ tiêm chủng. Khi các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm chủng cần phải phối hợp với các cán bộ y tế để thông báo rõ các tiền sử về mặt bệnh tật, dị ứng, co giật, rối loạn tâm thần hay bệnh di truyền để các cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ lưu tâm hơn.

- Sau khi trẻ được tiêm chủng sẽ phải theo dõi tại trạm y tế (tuyến cơ sở) trong vòng 30 phút.

Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ, cha mẹ vẫn có thể yên tâm. Nên cho trẻ ở phòng thoáng mát nới rộng quần áo, bỏ tất tay, tất chân. Dùng khăn ấm chườm cho trẻ, theo dõi trẻ từ 30 phút đến 1 tiếng.

- Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, cha mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt. 10mg/1kg cho 1 liều dùng, khoảng cách tối thiểu 4 - 6 tiếng. Vẫn dùng cách chườm ấm cho trẻ ở hai bên bẹn, nách, bụng giúp hạ sốt nhanh hơn.

- Nếu trẻ vẫn sốt cao trên 39 độ khi đã dùng các biện pháp trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

- Trường hợp trẻ quá mệt mỏi, co giật, hốt hoảng, sốt cao, chi lạnh, thở nhanh cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn