Tinh thần đại đoàn kết là di sản vô giá của dân tộc

21:50 | 19/11/2022;
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử và Tuần Đại đoàn kết các dân tộc được tổ chức thường niên đã hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam.

Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam đã diễn ra vào tối 18/11 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Ba Vì, Hà Nội). Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Sức mạnh để đưa đất nước đi trên con đường đổi mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng xây dựng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần giai cấp dân tộc, tôn giáo tập hợp đoàn kết với lá cờ của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên cách mạng Tháng 8 lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công", đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng ta, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam góp phần tạo động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta. Trong suốt 92 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Các nghệ nhân, già làng tham gia Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Các nghệ nhân, già làng tham gia Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Phó Thủ tướng cho rằng, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc được tổ chức thường niên đã hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động hướng về ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan đơn vị tiếp tục chung sức đồng lòng cùng góp sức đồng phục hồi kinh tế và phát triển sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

"Chúng ta cùng vững niềm tin, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, với truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết và nền tảng mà lịch sử văn hóa ngàn năm của dân tộc, tình đoàn kết gắn bó keo sơn trong cộng đồng 54 dân tộc anh em sẽ tiếp tục được tăng cường góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, với Đảng và Nhà nước là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh để đưa đất nước ta đi trên con đường đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Lan tỏa tình yêu thương văn hóa dân tộc

Cũng tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định: Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022 được tổ chức với mục đích nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các đồng bào đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc của dân tộc mình tại ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

"Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam 2022 hứa hẹn sẽ mang lại một bầu không khí vui tươi đoàn kết, lan tỏa tình yêu thương văn hóa dân tộc, mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước để những thế hệ đi sau luôn biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam thông qua hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của dân tộc. Đoàn kết để dâng trào khát vọng cháy bỏng, đoàn kết để nỗ lực cao nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Trình diễn văn nghệ trong Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Trình diễn văn nghệ trong Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến 23/11 với nhiều hoạt động đặc sắc như: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất năm 2022; Tổ chức Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022; Tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn