Tinh thần khởi nghiệp khơi dậy tiềm năng sáng tạo của phụ nữ

12:17 | 20/10/2018;
Trong khoảng 1 năm kể từ khi triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, tinh thần khởi nghiệp đã được lan tỏa đến chị em và cộng đồng, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội...
Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
 
Ngay sau khi Đề án 939 được phê duyệt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã nhanh chóng triển khai thực hiện đề án trong các cấp Hội để đưa tinh thần khởi nghiệp đến với phụ nữ, lan tỏa trong cộng đồng. Với sự nỗ lực của các cấp Hội, tính đến 10/10/2018 đã có 61/63 tỉnh/thành được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”. 2 tỉnh còn lại đang trong quá trình báo cáo và trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổng kinh phí hoạt động của năm 2018 (cấp TƯ và tỉnh/thành) là gần 56 tỷ đồng.
 
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng
Ngay khi Đề án 939 được phê duyệt, Trung ương Hội ban hành Hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2017 – 2025 bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực, bắt đầu bằng việc biên soạn và phát hành 13.000 bộ tài liệu phát tới 100% cơ sở Hội và cán bộ Hội các cấp để hướng dẫn các cấp Hội tổ chức các hoạt động Đề án.
kn.jpg
Chị Nguyễn Thị Phương Liên (trái), chủ trang trại Liên hiệp (Kim Bảng, Hà Nam), giới thiệu sản phẩm
 
Hội đã tổ chức tập huấn tại 2 vùng miền cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành về quy trình, các bước thực hiện các hoạt động của Đề án, giúp Hội LHPN tỉnh hiểu rõ hơn cách thức triển khai từng nội dung của Đề án, đặc biệt là phần chia sẻ kinh nghiệm của Hội LHPN một số tỉnh, thành và một số đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của các bộ ngành khác.
 
Đặc biệt, trong năm 2018, ở cấp Trung ương, Hội LHPN Việt Nam tập trung các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh như: Xây dựng chương trình truyền hình đối thoại chính sách, tuyên truyền gương điển hình, cách làm hay về khởi nghiệp; truyền thông về khởi nghiệp dành cho phụ nữ tại các khu công nghiệp phía Bắc, phụ nữ dân tộc tôn giáo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng...
 
Bám sát chủ trương đó, Hội LHPN các tỉnh, thành tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bản tin Phụ nữ tỉnh và website của Hội; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên Trung ương Hội đã tổ chức hội thi ý tưởng khởi nghiệp để lựa chọn tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương.
 
Trong một năm triển khai vừa qua, Trung ương Hội đã vận động và làm việc với 19 đơn vị nhất trí hỗ trợ nguồn lực đồng hành cùng đề án, trong đó có các Đại sứ quán: Úc, Canada, Isarel; các bộ: Khoa học công nghệ, Kế hoạch đầu tư; các ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và và phát triển nông thôn, SeaBank, Liên Việt và các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp.
 
Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh nhằm hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã được triển khai tại một số tỉnh có nhu cầu như: Bắc Ninh, Bình Dương, Nam Định, Gia Lai, Hưng Yên, Lạng Sơn...
 
Đưa tinh thần khởi nghiệp vào cuộc sống
Các cấp Hội tập trung truyền thông về khởi nghiệp bằng nhiều mô hình đa dạng, thông qua một chuỗi hoạt động hỗ trợ thiết thực với từng Đề án. Đến nay, các tỉnh, thành phố tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp/tổ chức lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ được 8.651 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
 
Năm 2018 là năm đầu tiên Trung ương Hội tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp quốc gia. Đã có 137 Đề án từ các tỉnh/thành trong cả nước thuộc các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp xây dựng, du lịch, giáo dục đào tạo gửi về tham gia. 79 Đề án vượt qua vòng sơ loại và 20 Đề án xuất sắc được lựa chọn vào vòng chung kết. Các Đề án đều thể hiện tinh thần đam mê, khát khao, đổi mới sáng tạo để khởi nghiệp, phát triển kinh doanh của phụ nữ ở các lĩnh vực, vùng miền khác nhau.
 
Chuỗi sự kiện Ngày khởi nghiệp năm 2018, trong đó có Lễ công bố kết quả Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 diễn ra vào ngày 15/10/2018 tại Hà Nội là một trong những điểm nhấn để tinh thần khởi nghiệp tiếp tục được lan tỏa sâu rộng đến hội viên, phụ nữ trên toàn quốc.
 
- Các cấp Hội đã bám sát quan điểm của Hội đổi mới, sáng tạo và có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện Đề án, đây cũng là hoạt động thiết thực thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội PNTQ lần thứ XII.

- Là thời gian đầu triển khai các hoạt động của Đề án, các cấp Hội đã ưu tiên cho hoạt động xây dựng kế hoạch, truyền thông; tích cực tuyên truyền vận động, huy động được nhiều cấp, nhiều ngành cùng tham gia thực hiện Đề án.

- Việc tích cực truyền thông đã có sức lan tỏa đến chị em phụ nữ và cộng đồng về Đề án, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp/hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn