Ngày cưới của cô dâu chú rể nào cũng quan trọng. Sự kiện này thường được lên kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết và không được bỏ sót điều gì. Tuy nhiên, với Hazel Taylor, 38 tuổi, đến từ Norfolk (Anh) hôn lễ của cô lại có một khoảng trống sâu sắc. Cô thiếu đi điều quan trọng nhất trong ngày cưới: Chú rể.
Theo đó, chồng cô - Kareem Kowaitly là một người UAE. Họ gặp nhau khi Hazel đến Abu Dhabi làm việc cách đây 2 năm. Cặp đôi cũng đã chính thức nên duyên vợ chồng vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, họ cũng tổ chức đám cưới lớn với đông đủ bạn bè, người thân tại Anh vì gia đình Hazel ở đó. Ai ngờ, vì vấn đề visa và giấy tờ nên cuối cùng, chú rể không thể nào đến Anh được.
"Tôi đi làm y tá ở Abu Dhabi vì lương y tá ở Anh không cao. Kế hoạch của tôi là làm việc ở đó trong 1 năm để tiết kiệm được tiền đặt cọc mua nhà. Sau đó Covid xảy đến, điều đó tồi tệ và ảnh hưởng kế hoạch của tôi. Các kỳ nghỉ phép bị hủy, các chuyến du lịch không thể thực hiện, tôi còn bị ảnh hưởng vì nhiều thời gian làm thêm bắt buộc nhưng điều tốt đẹp là tôi đã gặp được chồng mình", Hazel chia sẻ.
Khi cặp đôi cùng nhau quay về Anh để nghỉ ngơi, Kareem đã cầu hôn Hazel. Họ cũng có kế hoạch sẽ về Anh sinh sống sau khi kết hôn.
Do sự khác biệt tôn giáo nên họ không thể kết hôn tại UAE. Hazel cũng không thể kết hôn tại quê nhà vì đã không sống ở Anh trong 6 tháng qua. Họ đã đến Georgia (Mỹ) để kết hôn.
"Chúng tôi dự định kết hôn và làm thủ tục giấy tờ ở Georgia. Sau đó sẽ tổ chức tiệc cưới ở Anh một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, tình hình có vài thay đổi nên chúng tôi đã làm thủ tục giấy tờ và kết hôn sớm", Hazel kể.
Kareem đã nộp đơn xin Thị thực vợ/chồng vào tháng 5. Đám cưới sẽ được tổ chức vào tháng 9. Họ chắc mẩm đó sẽ là một bữa tiệc khó quên.
Thế nhưng tất cả không thuận lợi như họ nghĩ. Hazel nhớ lại: "Khi chúng tôi nộp đơn xin quyết định cấp thị thực, thời gian chờ đợi là 12 tuần. Kế hoạch của cả hai vợ chồng rất rõ ràng, ngay cả khi anh ấy bị từ chối, anh ấy vẫn có thể nhận được visa du lịch để đến tổ chức đám cưới. Thế nhưng chúng tôi thậm chí không có gì. Thị thực không được xử lý kịp thời".
Nữ y tá cho biết mình cũng từng liên hệ để hỏi về vấn đề thị thực của chồng. Câu trả lời là thời gian chờ đợi đã lên đến 24 tuần thay vì 12 tuần như xưa. Bởi vậy, chồng cô không thể nào kịp đến Anh để bước vào lễ đường cùng vợ được.
Sự bối rối đã khiến cả hai không biết nên xử lý ra sao. Cả gia đình, bạn bè và người thân của Hazel từ nhiều nơi trên thế giới đã bay đến Anh để tham dự hôn lễ.
"Bố tôi bay về từ Úc và những người khác đến từ các nơi khác nhau ở châu Âu. Ngày đã định nên tôi vẫn quyết định tổ chức tiệc cưới. Tuy nhiên, vì hôn lễ không có chú rể nên mọi thứ được thay đổi đi. Bánh cưới của tôi được làm thành những chiếc cupcake. Bó hoa cưới cũng thành vòm hoa chụp ảnh. Tôi đã uống khá nhiều rượu và khóc. Có lẽ tôi khóc 2 lần trong đám cưới của mình mà không có chú rể", Hazel bày tỏ.
Gia đình và người thân của cô rất thấu hiểu và thông cảm. Họ cùng nhau tham gia đám cưới thật vui để giúp Hazel có một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong ngày này. Thế nhưng đối diện với lễ đường chỉ có một mình đã khiến nữ y tá 38 tuổi vô cùng tủi thân và buồn bực trong lòng.
Rõ ràng, đây là một trải nghiệm không thể nào dễ chịu đối với các cô dâu ngay trong ngày trọng đại của cuộc đời mình. Hazel cho biết, chồng mình có tài khoản tiết kiệm, không có tiền án tiền sự và có công việc tử tế. Cô đã nghĩ rằng mọi việc sẽ rất dễ dàng nhưng cuối cùng mọi tính toán đổ sông đổ bể.
Hiện tại, hai vợ chồng vẫn không rõ khi nào thì có thể đoàn tụ cùng nhau. Bản thân Hazel cho biết mình khá bế tắc, tủi thân nhưng vẫn đang sắp xếp cuộc sống ổn thỏa nhất và chờ Kareem đến để bắt đầu cuộc sống mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn