"Trò chơi - Trời cho" của tác giả Hoàng Khôi (NXB Hội Nhà văn phát hành) kể về số phận của 6 người bạn cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 cho đến ngày 27/1/1973. Họ là Sỏi, Vũ, Được, Hòa, Nguyên, Hưng.
Tác giả Hoàng Khôi và tiểu thuyết "Trò chơi- Trời cho"
Họ bị "phía bên kia" bắt làm tù binh giam ở nhà tù Phú Quốc. Sau khi được trao trả tù binh, trở về với cuộc sống đời thường, số phận mỗi người theo mỗi ngả. Tình bạn của họ (và lan truyền sang vợ con) được hình thành trong chiến đấu và trong cảnh ngộ, thật trong sáng, khăng khít hơn 50 năm, dù nẻo đường đi và số phận của mỗi người có khác nhau.
Điểm chung của họ là di chứng và nỗi ám ảnh của chiến tranh vẫn còn đeo bám dai dẳng. Ngay từ trang đầu tiên, tác phẩm đã lôi cuốn người đọc với chi tiết Nguyên nằm ngủ, tiếng mưa rơi trên mái tôn nhà lúc 2 giờ sáng mà cứ ngỡ là âm thanh của một băng AR15 nổ giòn.
Một tuyến truyện khác, là tình yêu giữa các cặp vợ chồng Vũ - Nam Phương, Nguyên - Chi. Đó không phải tình yêu sét đánh mà là tình yêu đã vượt qua thử thách của thời đạn bom "anh chiến trường, em nơi hậu tuyến", nhiều lúc phải gồng mình lên "5 năm em vẫn đợi, 10 năm em vẫn chờ". Họ gắn bó với nhau thắm thiết và hy vọng một cuộc sống hạnh phúc tràn đầy trong tương lai.
Tác giả dành đến một phần ba số trang để nói về cặp Vũ - Nam Phương từ lúc họ chỉ là bạn học của nhau thuở niên thiếu, thuở đại học cho đến khi nên duyên vợ chồng.
Cặp đôi Vũ và Nam Phương mang dấu ấn cuộc đời thực của cặp vợ chồng Vũ Ngọc Khôi (tác giả Hoàng Khôi) và người bạn đời của nhà văn, cô giáo Mai Thị Ngọc Chúc. Như rất nhiều những phụ nữ Việt Nam thời chiến, cô giáo dạy Văn cấp 3 đã dành trọn tình yêu cho người lính nơi chiến trường.
Nhịp đập của trái tim và niềm tin vun đắp cho tình yêu của họ vượt qua mọi bão giông, chắp cánh cho cho người chiến sĩ nơi chiến trận. Và điều may mắn đã đến, tình yêu được thử thách trong bom đạn, đã đơm hoa kết trái. Con đường phía trước có thể có hoa hồng, có thể đầy chông gai, nhưng những nữ trí thức nơi hậu phương đã dũng cảm đối diện với chiến tranh như thế, họ thật tuyệt vời!
Sau chiến tranh, cuộc sống mưu sinh đã cuốn vợ chồng Vũ - Nam Phương vào vòng xoáy: Lo cái ăn, cái mặc, lo cho con cái học hành... Nhưng cuối cùng cũng vẫn là một cái kết có hậu của "Trò chơi - Trời cho". Những người từng vào sinh ra tử đã "Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước" để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay mà điển hình trong tiểu thuyết là: Sỏi, Vũ, Được, Hòa, Nguyên, Hưng... các anh được đền đáp một cách công bằng. Suy cho cùng: "Cuộc đời cũng có thể phải thua vài trận, nhưng cuối cùng thì phải thắng! So với nhiều người thì thế này mình cũng xem như đã thắng rồi!" ( trang 284).
Đọc tác phẩm "Trò chơi - Trời cho", ta càng thêm yêu cuộc đời này, bởi vì: "Mỗi cuộc chơi, mỗi sân chơi, trò chơi đều có luật chơi và cách chơi. Nếu anh chơi một cách có suy xét, có sự chủ động thì anh dễ thành công hơn. Trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả" (trang 304).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn