Chuyện tình "vợ nhặt" của cặp đôi "kẻ lang thang gặp người lếch thếch"

14:23 | 30/10/2023;
Chuyện tình của vợ chồng già hơn nửa đời người chưa được làm đám cưới khiến bao người nghẹn ngào xúc động.

Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến câu chuyện một túp lều tranh 2 trái tim vàng biểu hiện cho tình nghĩa vợ chồng dù nghèo mà vẫn chung thủy, son sắt. Tưởng như những câu chuyện đó chỉ là hư cấu vốn tồn tại trong văn chương nhằm hướng tới cái chân thiện mỹ, thế nhưng đó lại là câu chuyện có thực trong cuộc sống ngay bên bờ sông Hồng giữa Hà Nội.

Sự sắp đặt của số phận

Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1936, xuất thân từ một gia đình có ba anh chị em tại Thanh Hóa. Nhưng cuộc đời ông đã trải qua những biến động không thể lường trước từ khi còn rất nhỏ, khi chiến tranh lan rộng làm đảo lộn cả xã hội. Điều này đã khiến ông trở thành một đứa trẻ mồ côi, mất đi gia đình và phải đối diện với khó khăn mà cuộc đời đưa đến.

"Cuộc đời của tôi thì…, người ta bảo là ba chìm bảy nổi nhưng mà tôi phải tới 9 chìm chứ không phải 3 chìm, khổ lắm. Sinh ra ở gia đình nghèo, không có gì ăn, gia đình có 3 anh em, từ lúc ông bà mất đi thì 3 anh em không biết làm cái gì được, 3 người bỏ nhà ra đi, mỗi người một nơi. Tôi lang thang khắp nơi, đi khắp từ huyện này tới huyện nọ, đi miền núi, lúc đó tôi còn chưa biết thị xã là cái gì, đi xin ăn thôi, đi đến đâu thì xin ăn đến đó."  - ông kể.

Vợ chồng ông bà Thành - Thủy

Khoảng 10 tuổi, cuộc hành trình phiêu bạt của ông bắt đầu. Ông đi theo một chiếc xe ra Hà Nội,  qua các con đường và ngõ ngách của thủ đô. Trong cuộc sống hàng ngày, ông vừa đi ăn xin để nuôi bụng, vừa đi nhặt rác để kiếm lấy từng đồng. Cuộc sống của ông thường diễn ra tại những góc phố, cuối chợ hoặc đầu đường, và mỗi sáng ông thức dậy trong sự lo lắng và bất định về tương lai..

"Mãi cho tới ngày 26/9/1969, là ngày mà tôi nhớ mãi. Đó là lúc tôi quyết định ra ga Hàng Cỏ xem ở đó người ta có rớt cái bánh cái quà gì không để nhặt ăn, đấy đói khổ thế đấy. Nhưng mà tuyệt đối không nhận lấy bất cứ cái gì của ai, bởi vì cái lương tâm của mình."  - ông nói tiếp.

Còn "vợ nhặt" của ông, bà Nguyễn Thị Thủy (1937), quê gốc ở Thái Bình và cũng có hoàn cảnh, số phận không khác ông Thành là bao. Họ đều là trẻ mồ côi nay đây mai đó phải đi xin ăn. Hai con người cùng khổ ấy tưởng như là 2 đường thẳng song song thế mà cuối cùng, duyên số lại gặp nhau ở ga Hàng Cỏ. Năm đó, ông Thành đã 33 tuổi, còn bà Thủy cũng 32 tuổi.

 Ngày hôm đó, ông Thành cố thức đêm ở nhà ga để nhặt những gì khách đi tàu bỏ lại trên đường, còn bà Thủy cũng đúng lúc cơn đói ập đến, không đi nổi nữa, gục xuống bên cạnh nhà ga, ngay chỗ chồng tương lai của bà đang nằm nghỉ.

"Thấy bà cũng đang vất vả ăn xin ở đường, nên mới lại gần hỏi thăm. Hỏi xong mới biết cùng chung số phận, hoàn cảnh, gia đình không có nên quyết định ở chung với nhau đến giờ đấy" - ông Thành tâm sự. 

"Kẻ lang thang" nên duyên với "người lếch thếch"

Hai số phận đầy nghèo khó, hai con người đã bị đánh rơi giữa những trắng đen của cuộc đời. Tuy nhiên, duyên số đã đưa họ gặp nhau, nơi họ có thể tìm sự nương tựa trong nhau. Dù họ không có nhà riêng, không có con cái, và không có một lễ cưới chính thức, nhưng tình yêu của họ đã tồn tại trong suốt 54 năm qua.

Hiện tại, ông vẫn duy trì sức khỏe tương đối tốt, mặc dù tai ông đã trở nên nghễnh ngãng và không còn nghe rõ như trước. Bà vẫn nói chuyện được, mặc dù mắt bà đã mờ đi. Mặc cho những khó khăn và sự khắc nghiệt của cuộc sống, hai con người ấy vẫn luôn lạc quan và yêu đời. Tình yêu của họ đã thắng qua thử thách của thời gian và khắc sâu trong trái tim họ.

Trải qua những năm tháng đầy khó khăn, ông và bà đã phải phiêu bạt nhiều địa điểm khác nhau. Lúc thì họ lang thang đến bãi đất ở huyện Gia Lâm, rồi lại đưa nhau sang Hà Đông. Có những thời điểm họ lên tận tỉnh Vĩnh Phúc, cặm cụi nhặt rác và làm mọi công việc để kiếm miếng cơm bỏ bụng.

Tối đến, chỗ nào có mặt bằng thì chỗ đó là chiếc giường của họ, sưởi ấm cho nhau qua những đêm đông giá rét. Và cứ lang thang cùng nhau như vậy, rồi cuối cùng họ cũng tìm đến bên bờ sông Hồng.

 "Thời gian mà chưa có bè thì hai ông bà mỗi người một bao tải, hàng ngày đi nhặt rác, tối về gầm cầu ngủ. Không thì tấp vào vỉa hè ngủ. Mãi sau này có người thấy khổ quá nên đã giúp chúng tôi làm cái bè con con để ở. Bè lúc đó còn làm hoàn toàn bằng xốp thôi chứ không có thùng phi nên hay bị hỏng. Sau nhiều lần cuốc xới, sang sửa thì mới thực sự ở được" , ông Thành nhớ lại.

Bộ ảnh cưới của ông bà khi đã ngoài 70. Ảnh nguồn: Lê Cao Hải

Sau đó, may mắn có những người thiện nguyện tìm đến. Họ lắp cho ông bà cái ắc quy mặt trời để tổ ấm nhỏ của họ có ánh sáng. Cuộc sống cứ thế trôi, ngày ông ở nhà chăm vợ, đêm xuống lúc bà đã ngủ yên, ông lặng lẽ cài chặt khóa cửa, vác bao tải lang thang khu chợ Long Biên tới rạng sáng mới nghỉ ngơi. Cũng có nhiều người tới chơi, họ cho lúc cân gạo, lúc lọ mắm, khi thì rau dưa. Với cặp vợ chồng già này đó là những điều mà họ cực kì trân trọng.

Ông bà cũng từng mơ về một căn nhà nhỏ, một đám cưới hạnh phúc, những đứa con và được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên khi ông bà đã ngoài 70 tuổi, ước mơ đó mới thành sự thực. Một nhóm thiện nguyện đã cố gắng tổ chức một đám cưới, dù nhỏ nhưng đầm ấm, hạnh phúc cho ông bà.

"Từ khi sinh ra đến giờ chưa biết đám cưới là gì, bây giờ mới làm cái lễ cưới nên vừa buồn cười vừa vui, cũng là kỉ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời." - ông Thành nghẹn ngào nói.

Trong suốt 54 năm qua, ông và bà đã nắm tay nhau, chia sẻ mọi khoảnh khắc từ dưới gầm cầu đến trên vỉa hè, và rồi những năm tháng trên sông. Hai vợ chồng đồng lòng vượt qua tất cả khó khăn, tận hưởng những niềm vui, hạnh phúc và ngọt bùi trong cuộc sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn