Theo PGS.TS. BS. Bùi Thị Nhung, xã hội càng hiện đại sẽ có những xu hướng thích dùng các sản phẩm ăn liền của một bộ phận giới trẻ, các em tuổi vị thành niên. Trong khi đó, béo phì ở trẻ em là một trong những thách thức sức khoẻ cộng đồng mang tính toàn cầu.
Điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2017-2018 tại các tỉnh/thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Nghệ An và Thái Nguyên cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ tiểu học tại thành phố là trên 40%, ở lứa tuổi trung học cơ sở là trên 30%. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh lý liên quan đến chuyển hoá sau này.
Với ưu điểm tiện lợi, những sản phẩm ăn liền như mì, miến, phở… thường được lựa chọn cho bữa sáng hoặc bữa ăn nhanh của các gia đình hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng quá thường xuyên hoặc không đúng cách các sản phẩm này có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng.
Bác sĩ Nhung cho biết: Nếu các bạn trẻ, trẻ em ăn một bát mì, miến ăn liền vào bữa sáng, có bổ sung thêm rau, thịt thì sẽ cân bằng dinh dưỡng và không ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ.
Khi tổ chức bữa ăn gia đình, nhất là có các sản phẩm ăn liền, phụ huynh cần nắm những nguyên tắc chính:
Cân bằng, ăn đúng, ăn đủ giữa các nhóm thực phẩm: Một bữa ăn lành mạnh cần bao gồm đủ các nhóm chất như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất. Khi sử dụng sản phẩm ăn liền, nên kết hợp các các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác như rau xanh, thịt nạc, trứng…
Đa dạng thực đơn: Không nên sử dụng sản phẩm ăn liền quá thường xuyên gây nhàm chán và mất cân bằng dinh dưỡng. Nên đa dạng với các món ăn khác nhau để cơ thể nhận đủ dinh dưỡng.
Kiểm soát lượng tiêu thụ: Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm nhiều đường, nhiều muối, chất béo gây hại cho sức khoẻ.
Bên cạnh đó, cần giáo dục thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh cho trẻ. Vai trò của người lớn trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình và khuyến khích giáo dục trẻ từ nhỏ về dinh dưỡng là hết sức quan trọng. Trẻ thường thích các món ăn kiểu phương Tây như cá hồi, thịt bò… Khi ăn quá nhiều chất đạm dẫn đến tăng axit uric, không tốt cho sức khoẻ.
BS Nhung chia sẻ: Cần hướng dẫn trẻ ăn những món ăn truyền thống như canh cua, canh ngao, cá kho, tôm rang… cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng, giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, có khả năng thích nghi tốt với các món ăn vùng miền khác nhau khi trưởng thành.
Thêm nữa, một chế độ ăn uống lành mạnh không có nghĩa phải loại bỏ các sản phẩm ăn liền hay thực phẩm chế biến sẵn. Theo BS Nhung, điều quan trọng là biết cách kết hợp hài hoà chúng với các món ăn truyền thống. Từ đó, vừa đảm bảo bữa ăn của trẻ trở nên phong phú, đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, phù hợp lối sống hiện đại, vừa giúp trẻ thích ứng tốt hơn với tất cả các món ăn khi trưởng thành, ở mọi điều kiện sống khác nhau.
Có thể nói, bữa ăn gia đình lành mạnh, với sự xuất hiện của các sản phẩm ăn liền, đòi hỏi sự khéo léo lựa chọn, sự hiểu biết về dinh dưỡng để sử dụng, kết hợp đúng cách của người tổ chức sẽ mang lại sự cân bằng, đầy đủ dưỡng chất cho cả gia đình, đặc biệt là tránh béo phì cho trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn