Ngày tôi lấy vợ, gia đình, bạn bè ai cũng mừng. Ngoài việc vợ tôi rất xinh xắn thì cô ấy còn được đào tạo trong lĩnh vực gia đình và giới. “Cậu chẳng phải lo gì! Một người có nhiều kiến thức về vấn đề này thì sẽ khắc biết thu xếp cuộc sống gia đình ổn thỏa, hạnh phúc” - một cậu bạn thân của tôi đã nhận xét như thế. Song, kết hôn rồi, tôi nhanh chóng nhận ra cuộc sống này luôn chứa đầy nghịch lý. Nó được minh chứng bằng danh sách dài dằng dặc những xung đột của chúng tôi.
Thống nhất quan điểm khiến cuộc sống hôn nhân bền vững hơn (Ảnh minh họa)
Tôi sinh ra trong một gia đình hiếm con, ít cháu, lại là đích tôn của cả dòng họ nên ngay từ nhỏ, tôi đã quen với tư tưởng “trọng nam”. Sau này lớn lên, tôi được học nhiều, được tiếp cận với lối sống mới, cũng được nghe nói nhiều về “bình đẳng giới” nên đã có lúc tôi tự thấy mình có thay đổi, tư tưởng có “tiến bộ” hơn nhiều so với các cụ nhà mình. Vậy mà, những gì “tôi tưởng” ấy chả đáp ứng được gì so với cái gọi là “chuẩn mực mới về bình đẳng giới” mà vợ tôi luôn đòi hỏi.
Tôi từng nghĩ hòa thuận, bình đẳng trong gia đình là khi vợ chồng có thời gian rảnh thì nên tận dụng để được ở bên nhau, bên gia đình, làm mọi việc cùng nhau. Nhưng với cô ấy, quan niệm này của tôi cũ rồi! Giờ đây, quan niệm mới của bình đẳng, tự do là khi rảnh rỗi, chồng hoặc vợ có quyền được đi chơi bên ngoài cùng với bạn bè mà không có “người kia” kè kè ở bên; là được dành thời gian rỗi cho những sở thích, thú vui riêng mà không bị người bạn đời ngăn cản...
Trong phân công lao động gia đình, tôi cũng từng nghĩ mình sẽ cố gắng trở thành một người chồng hiện đại, chu đáo. Tôi sẵn sàng chia sẻ đều việc nhà với vợ nhưng điều đó chưa làm cô ấy hài lòng. Chúng tôi vẫn thường xuyên cãi nhau vì với cô ấy, bình đẳng theo kiểu mới là tùy theo kỹ năng, thời gian và ý thích của mỗi người. Khi cô ấy cảm thấy không thích rửa bát, quét nhà thì nghiễm nhiên là “không thể bắt cô ấy làm”! Mà tôi thì vốn lóng ngóng, đụng đâu vỡ đấy và việc đứng im trước cái bồn để lau rửa, tráng... thực sự nhàm chán nên nhiều khi tôi vô cùng bực tức.
Ngày chúng tôi có con đầu lòng, tôi từng nghĩ đó là điều quý giá, hạnh phúc nhất. Tôi đã tự hứa mình sẽ phải trở thành ông bố tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mối quan hệ vợ chồng đôi khi bị đẩy xuống hàng thứ 2. Có những việc lãng mạn trước đó với vợ, giờ tôi không còn đủ thời gian, tâm trí để làm. Tôi cứ nghĩ, đó là điều tất yếu trong các gia đình trẻ và vợ chồng sẽ chấp nhận, thông cảm cho nhau. Nhưng với cô ấy thì khác. Chúng tôi thường xuyên cãi vã và cô ấy giận tôi nhiều. Bởi theo cô ấy, đời sống gia đình vợ chồng trẻ hiện đại cần phải tuân theo quy tắc mới. Đó là, sau khi có con, mối quan hệ hôn nhân, vợ chồng vẫn phải ở vị trí đầu tiên, là việc tối cần thiết.
Mỗi khi chúng tôi có mâu thuẫn, bất đồng mà không thể giải quyết, tôi từng nghĩ là khi không tự mình làm được thì sẽ phải cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài. Lúc ấy, có thể tôi sẽ chia sẻ với bố mẹ 2 bên nội ngoại, với người thân trong gia đình, với bạn bè thân của 2 đứa... Song, những nỗ lực ấy của tôi lại càng khiến vợ giận sôi sùng sục. Bởi, với cô ấy, quy tắc mới trong việc xây dựng một cuộc hôn nhân hòa thuận là sự đòi hỏi mỗi người phải tự học hỏi những kiến thức, thu nạp các kỹ năng cho chính mình. Cô ấy đã lên án là tôi không thể tự giải quyết, không biết tự chịu trách nhiệm về vấn đề của chính mình...
Cứ trái ngược và căng thẳng thế, có lúc quá cực đoan, tôi định nói với vợ rằng: “Ước gì em không phải là chuyên gia thì có lẽ đời sống gia đình mình đã được yên ấm, hạnh phúc hơn”.
Nhưng một lần, sau cuộc mâu thuẫn kéo dài đến kiệt sức, tôi đã nhận ra là không thể sống mãi như thế được. Tôi chủ động “xuống nước” trước, bàn với vợ cùng nhau tìm hướng giải quyết. Sau nhiều bàn thảo, thật may tôi đã nhận ra những gì mình tưởng là “bình đẳng”, “tiến bộ” thì quả có lúc chưa đúng, chưa đủ. Còn vợ tôi cũng thừa nhận đôi khi những quan niệm của cô ấy về vai trò của vợ, chồng, về gia đình kiểu mới là “lý thuyết” và sự đòi hỏi ứng dụng vào thực tế bị cứng nhắc. “Sẽ cùng nhau học hỏi thêm về kiến thức và giúp nhau điều chỉnh các quan niệm cho phù hợp” - Đó là thỏa thuận mới nhất của chúng tôi và hy vọng nó sẽ được thực thi hiệu quả.
Tránh những quan niệm sai lầm - Cần xác định không phải lý thuyết nào về gia đình và giới cũng có thể áp dụng tốt vào hôn nhân thực tiễn. - Khi có mâu thuẫn, bất đồng về vai trò, quan điểm, vợ và chồng nên thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn thiếu sót, sai lầm của mình. - Vợ chồng cùng thảo luận để đi tới thống nhất ý kiến, quan niệm. |