Tổ hợp bánh tráng xã Phú An

20:22 | 14/11/2016;
Tận dụng lợi thế làng nghề, tổ hợp tác bánh tráng xã Phú An (thị xã Bến Cát, Bình Dương) giúp bà con ổn định sản xuất đưa đời sống đi lên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung và tại địa bàn thị xã Bến Cát nói riêng, các tổ hợp tác dần được hình thành, qua đó tạo nguồn vốn, việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, tìm kiếm nguồn đầu ra cho các ngành nghề tại địa phương. Làng nghề bánh tráng Phú An thuộc xã Phú An, thị xã Bến Cát là một trong những tổ hợp tác phát triển, hằng năm tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân của địa phương.

Làng nghề Bánh tráng Phú An nay là tổ hợp tác Bánh tráng được hình thành và phát triển gần 30 năm nay đã trở thành thương hiệu khá quen thuộc của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đến thăm xã Phú An vào những ngày này có thể cảm nhận được sự nhộn nhịp của làng quê thời kỳ đổi mới. Xã Phú An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015 đã giúp đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt; nhiều con đường được bê tông hóa, xóm ấp sạch đẹp hơn... Tuy vậy, khi bước chân vào khám phá nghề làm bánh tráng ở đây, sự nhộn nhịp ấy vẫn không làm mất đi nét truyền thống của nghề làm bánh tráng lâu đời Phú An.
hinh-anh-banh-trang.jpg
 Sản xuất bánh tráng ở tổ hợp
Bà Nguyễn Kim Chi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú An cho biết, hiện toàn xã còn khoảng 16 hộ làm nghề bánh tráng. Ngoài 10 hộ đã tham gia vào tổ hợp tác, số còn lại đang làm bánh tráng nhỏ, lẻ. Bà Chi nhớ lại, từ hồi bà còn nhỏ đã thấy cả xóm làm bánh tráng phơi khắp sân và nghe cha mình kể lại thì làng nghề đã có từ khoảng 30 năm về trước. Hồi trước, mới 5 giờ sáng những gia đình làm nghề bánh tráng ở Phú An đã thức dậy đỏ lửa tráng bánh, phơi bánh, sau đó gói cẩn thận rồi đem ra chợ bán. “Làng nghề nay vẫn tồn tại đấy thôi nhưng còn ít người theo nghề nên không còn được nổi tiếng như trước. Xã đã có nhiều biện pháp để giữ vững và khôi phục, nhưng làng nghề chưa phát triển tới mức có thể lập hồ sơ công nhận làng nghề truyền thống”.

Ông Nguyễn Thanh Răng, ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng Phú An - người có thâm niên 27 năm làm bánh tráng vẫn nhớ như in về thời hưng thịnh của nghề này. Ông kể, cách đây 10 năm, ở xã có đến hơn 100 hộ tham gia làm bánh; nhà nào ít người thì 1 bếp, nhà nào đông thành viên thì có 3 - 4 bếp hoạt động liên tục từ tờ mờ sáng cho đến quá trưa. Vào lúc giáp tết hoặc có đơn đặt hàng, cả xóm phủ một màu trắng của bánh tráng. Bánh tráng Phú An lúc đó không chỉ được tiêu thụ thị trường trong nước, mà còn được xuất đi Mỹ và một số nước châu Âu.

Để làng nghề bánh tráng Phú An phát triển ổn định, tháng 10- 2014, xã Phú An đã liên hệ với Liên minh Hợp tác xã tỉnh thành lập tổ hợp tác cho làng nghề để được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Điều đáng nói là sản phẩm ở làng nghề bán cho các thương lái có giá từ 25.000- 30.000 đồng/kg, trong khi đó thương lái bán ra thị trường với giá 45.000 - 60.000 đồng/kg. Sự chênh lệch về giá cả như vậy sẽ được giải quyết khi thành lập tổ hợp tác, vì tổ sẽ định hướng đầu ra cho làng nghề. Tuy vậy, theo ông Răng, từ khi thành lập tổ hợp tác đến nay, các thành viên vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các chính sách; bên cạnh đó chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các hộ làm bánh, vì hầu như mỗi hộ kinh doanh ở đây đã tạo cho mình những mối làm ăn riêng. Hơn nữa, bánh tráng Phú An chưa được công nhận làng nghề truyền thống nên xã chưa thể kêu gọi sự hỗ trợ.

Bà Huỳnh Thị Xuân Nương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, để góp phần phát triển làng nghề này, trong thời gian tới xã sẽ liên kết với Khu du lịch địa đạo Tam giác sắt, Làng tre Phú An để đưa khách tới tham quan làng nghề, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, xã sẽ khảo sát lại các gia đình đang theo nghề để tham khảo ý kiến, nguyện vọng, nhu cầu của họ để có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn, làm bao bì sản xuất. Xã cũng sẽ mở rộng mô hình máy làm bánh tráng và củng cố hệ thống lò bánh, lò hơi nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra... để phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, bền vững và lâu dài.

Bà Nương cho biết thêm, Phú An có hai địa điểm du lịch nổi tiếng là làng tre sinh thái và địa đạo Tam giác sắt. Như vậy, việc phát triển làng nghề cũng là tạo thế mạnh cho phát triển du lịch trong tương lai.

Hiện nay, ông Nguyễn Thanh Răng, Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng Phú An là chủ một cơ sở làm bánh tráng lớn nhất xã Phú An với 18 người làm công; cơ sở được đầu tư bằng máy làm bánh công nghiệp cho sản lượng cao. Nếu trước đây, làm bằng thủ công, một ngày ông sản xuất ra được 350kg bánh thì hiện nay có máy móc hỗ trợ, sản lượng bánh làm ra tăng lên 500kg/ ngày, giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Ông Răng cho biết, bánh tráng vừa làm xong đến đâu thương lái đến “gom” hàng đến đó.

Thị trường rộng mở, người làm bánh tráng ở đây đều mong muốn có điều kiện mua máy làm bánh hoặc mở rộng quy mô sản xuất nhưng không có nguồn vốn, sân phơi. Đặc biệt, hiện bánh tráng Phú An vẫn để bánh trần, buộc dây bán lẻ tại các chợ, chưa có bao bì bọc ngoài nên vấn đề vệ sinh không được bảo đảm. “Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm, xây dựng thương hiệu, làm mã vạch... để phát triển thương hiệu bánh tráng Phú An rộng rãi, ổn định và bền vững hơn”, ông Răng nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn