Tổ hợp tác rau mầu xứ Dừa

14:40 | 11/11/2016;
Tận dụng lợi thế đất phù sa mầu mỡ, Tổ hợp tác trồng rau mầu xã Châu Hưng (huyện Bình Đại, Bến Tre) ra đời giúp chị em làm nông nghiệp hiệu quả hơn.

Xã Châu Hưng cách trung tâm Bình Đại 26 km và cách thành phố Bến Tre khoảng 24 km về phía Tây theo đường tỉnh 883. Phía Đông giáp với xã Thới Lai và xã Vang Quới Tây. Phía Tây giáp với xã Long Hoà. Phía Bắc giáp với xã Phú Thuận và đường tỉnh 883. Phía Nam giáp sông Ba Lai, bên kia sông là các xã Phong Mỹ và Châu Hòa huyện Giồng Trồm. Là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa sông Ba Lai.

Đất đai Châu Hưng chủ yếu là đất phù sa, kinh tế phát triển nông nghiệp chủ yếu là cây dừa, lúa và hoa màu. Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, những năm qua, xã Châu Hưng tích cực vận động nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hoặc áp dụng các mô hình luân canh, xen canh cho hiệu quả kinh tế cao. Bám sát nhu cầu thị trường và nhạy bén áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng màu đã giúp nhiều nông dân xã Châu Hưng vươn lên khấm khá, chính vì thế Tổ hợp tác “trồng màu” của xã ra đời. 

image001.png
 Thành viên tổ hợp tác chăm sóc rau

Tổ hợp tác trồng màu được thành lập trên cơ sở tập hợp nhiều hộ nông dân sản xuất có kinh nghiệm và kỹ thuật trong nghề trồng rau màu năm 2011 với tổng diện tích gieo trồng là 6,5 ha. Chia sẻ về những ngày đầu bắt tay vào vận hành hoạt động của Tổ hợp tác, bác Quyết (Tổ trưởng Tổ hợp tác) không khỏi bồi hồi khi nghĩ lại chặng đường đầy gian nan, thử thách. Bởi lâu nay, người dân xã Châu Hưng vốn chỉ quen trồng dừa và lúa trên ruộng nên việc vận động họ trồng rau màu, nhất là trồng rau theo quy trình VietGAP là chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, trồng lúa hay hoa màu đều rất cần đến kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật. Có kinh nghiệm và làm chủ được kỹ thuật thì sẽ thu được kết quả khả quan. Sẵn vốn kiến thức lại chịu khó tìm tòi, học hỏi, bác Quyết trở thành đầu tàu truyền thụ kỹ thuật sản xuất rau sạch cho bà con trong ấp, xã. Bác phải thử nghiệm trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình, rồi lăn xả ngoài ruộng trực tiếp "cầm tay chỉ việc" làm cùng bà con. Hiện nay, ruộng màu đang trong giai đoạn phát triển xanh tốt, ước thu hoạch vụ này đạt cao hơn so với vụ trước.

Chú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận xét: để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này, Hội Nông dân xã sẽ kết hợp Hội Nông dân huyện Bình Đại và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cách trồng màu cho nông dân, giúp bà con tận dụng hết tiềm năng của đất, nâng cao thu nhập gia đình, thoát nghèo bền vững, vì so với cây lúa, cây màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn, chỉ cần người nông dân siêng năng lao động và biết tính toán, chọn cây trồng hợp lý theo mùa vụ, bám sát nhu cầu thị trường và nhạy bén áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng màu đã giúp nhiều nông dân vươn lên khấm khá. Mưa dầm thấm lâu, công sức của bác cũng được đền đáp xứng đáng khi Tổ hợp tác trồng màu đi vào hoạt động ổn định, thu nhập từ cây rau mang lại khấm khá hơn. Nếu trồng màu như bác Quyết, cô Trang và các tổ viên Tổ hợp tác xã trồng màu xã Châu Hưng chỉ cần luân canh 3 vụ màu thì một năm sẽ cầm chắc bạc triệu trong tay, góp phần xoá nghèo, vươn lên khá giàu cho bà con nông dân xã Châu Hưng.

Từ thành công của mô hình Tổ hợp tác trồng màu xã Châu Hưng đã từng bước góp phần phát triển kinh tế của huyện nhà, đặc biệt là góp phần cho người dân xã Châu Hưng sinh kế phát triền bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị xã hội tại địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn