Trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đến từng cấp hội và từng hội viên đạt nhiều kết quả tích cực. Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu, đã mở ra nhiều cơ hội cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp bằng cách tiếp cận với các nền tảng số, kinh tế số.
Bà Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái cho biết, Hội LHPN xã vừa ra mắt mô hình "Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh" với sự tham gia ban đầu của 9 chị em; gồm có nhiều mặt hàng như thủy hải sản, bánh dân gian, rau sạch… Ngay sau khi hoạt động, mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu; đã có thêm nhiều hội viên, phụ nữ mong muốn tham gia vào mô hình.
+ Khi thành lập "Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh" thì Hội kỳ vọng điều gì, thưa bà?
Bà Đào Thị Thanh An: Thực tế, trình độ tiếp cận với công nghệ số của đa phần hội viên, phụ nữ trên địa bàn hiện nay còn hạn hẹp. Thông qua mô hình, Hội sẽ hướng dẫn các chị em bán hàng online, thanh toán điện tử… Từ đó mở rộng kinh doanh, giúp hàng hóa của chị em ngày càng được nhiều người biết đến hơn; không chỉ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mà còn hướng đến các tỉnh/thành trên cả nước.
Các mặt hàng của chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khi tham gia vào "Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh" đều phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do tổ hướng đến việc kinh doanh online nên hàng hóa giao cho khách hàng phải đảm bảo thời gian, chất lượng. Từ đó sẽ tập cho chị em có ý thức, làm quen với công nghệ số trong kinh doanh, đưa lại hiệu quả cao.
Do nhiều sản phẩm của chị em tham gia trong tổ mang tính đặc thù của địa phương, nhiều sản phẩm mang tính thời vụ nên việc bán hàng phải luôn linh động. Theo tôi, hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khó tính, quan tâm rất nhiều đến chất lượng sản phẩm nên bắt buộc chị em cần phải luôn nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy thì việc kinh doanh mới ổn định, phát triển.
+ Trong thời gian qua, Hội còn có những hỗ trợ nào giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh không?
Hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu hàng đầu của Hội LHPN xã. Bên cạnh việc thành lập "Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh", nhiều năm qua Hội cũng đã duy trì nguồn vốn tiết kiệm với tổng số tiền khoảng hơn 1-1,6 tỷ đồng/năm cho hội viên, phụ nữ vay để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" đã giúp cho chị em phụ nữ trên địa bàn có ý thức phát triển kinh tế để vươn lên; không còn tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại. Bên cạnh đó, còn giúp cho chị em thói quen tiết kiệm, cố gắng phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, trước đây, trên địa bàn xã luôn có rất nhiều chị em rời quê đi làm ăn xa dẫn đến nhiều hệ lụy. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã góp phần giúp cho chị em có thể tìm kiếm việc làm, khởi sự kinh doanh ngay tại địa phương với thu nhập ổn định; được gần gia đình, chăm sóc cho con cái.
+ Theo bà, hội viên phụ nữ nông thôn muốn khởi nghiệp thành công thì cần điều gì?
Không phải ai khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cũng sẽ có kết quả tốt đẹp cả. Theo tôi, những chị em nào kiên trì, nhạy bén, sáng tạo thì khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh sẽ thành công. Đặc biệt, trong sản xuất kinh doanh thì quan trọng nhất là chữ tín, phải làm sao cho khách hàng tin tưởng sản phẩm thì việc kinh doanh sẽ có nhiều thuận lợi.
Trong thời gian tới, bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền nhằm giúp cho chị em mạnh dạn khởi nghiệp thì Hội cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường. Đồng thời, tìm và tư vấn các mô hình kinh doanh phù hợp; không để xảy ra trường hợp chị em thấy người khác làm mô hình kinh doanh nào đó hiệu quả thì cũng "chạy theo" để làm.
Cảm ơn bà đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn