Toa tàu dành cho nữ chẳng khác gì giam cầm phái đẹp
18:09 | 19/09/2017;
Trước nạn quấy rối tình dục phổ biến, Ai Cập nỗ lực triển khai biện pháp tách biệt giới nơi công cộng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc làm này chẳng khác nào giam cầu phái đẹp.
“Đơn thuốc” chống “ung thư xã hội”
Những nỗ lực triển khai biện pháp tách biệt giới đã đi vào cuộc sống tại Ai Cập. Khởi đầu là mạng lưới xe điện ngầm ở thủ đô Cairo, mỗi tàu có 2 toa dành riêng cho phụ nữ rồi xuất hiện hàng loạt bãi tắm, quán cà phê và nhà hàng dành cho nữ giới.
Tất cả nhằm mục đích bảo vệ phụ nữ, những người muốn ra khỏi nhà, không bị hành xác bởi những ánh mắt soi mói “muốn ăn tươi, nuốt sống”, hoặc tệ hơn là bị động chạm vào cơ thể.
Trong chiến dịch tuyên truyền “Đường phố an toàn hơn”, Trung tâm Quyền Phụ nữ Ai Cập (ECWR) đã tiến hành khảo sát về nạn quấy rối tình dục trên đường phố.
1.100 phụ nữ Ai Cập và phụ nữ ngoại quốc ở Ai Cập đã tham gia cuộc khảo sát. Kết quả thật đáng báo động: 83% phụ nữ Ai Cập và 98% chị em ngoại quốc khẳng định, họ từng là nạn nhân của những dạng quấy rối tình dục khác nhau.
Để chống lại đại dịch “ung thư xã hội”, một tập đoàn taxi ở thủ đô Cairo đã tung ra thị trường hàng loạt xe taxi do phụ nữ lái. Dự án tương tự cũng được thủ lĩnh nhà thờ Hồi giáo Al Azhar chấp thuận, theo đó sẽ xuất hiện những đội xe taxi đặc biệt màu hồng do các lái xe nữ điều khiển để phục vụ phái đẹp.
Từ lâu, tại Ai Cập đã tồn tại sự tách biệt giới có giới hạn tại các nhà thờ Hồi giáo, tại trường học, trong các hiệu cắt tóc và tại các buổi tang lễ.
Đặc biệt, giải pháp này được áp dụng ở dạng cực đoan như ở Ả Rập Saudi, nơi tất cả các trường phổ thông và đại học, bao gồm cả các cơ sở của nước ngoài, như British Council, đều phải chấp hành nghiêm túc lệnh tách biệt giới.
Phụ nữ Ả Rập Saudi không được phép xuất hiện trong hội nhóm đàn ông không phải người thân trong gia đình. Vài năm trước, một thiếu nữ Ả Rập Saudi bị phạt 6 tháng tù giam và đánh 90 roi sau khi bị một nhóm đàn ông cưỡng đoạt thân thể.
Lỗi duy nhất của cô gái là vào thời điểm bị bắt cóc, thiếu nữ một mình đi với chàng trai không phải là người thân trong gia đình, cũng không có họ hàng với cô.
Xem ra, tách biệt giới không phải “thần dược” giải quyết tận gốc vấn đề. Nó chỉ loại bỏ triệu chứng bệnh nan y.
“Bệnh” có nhiều nguyên nhân
Theo các chuyên gia xã hội nước này, quấy rối tình dục ở Ai Cập là vấn nạn có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là tình trạng nam giới thiếu văn hóa, nghèo túng và thất nghiệp, khủng hoảng tình dục bắt nguồn từ thực trạng cấm đoán tình dục trước hôn nhân, hôn nhân bất hạnh và thiết chế xã hội gia trưởng, nơi phụ nữ không có quyền bình đẳng với nam giới.
Tiến sĩ Ahmed Salah, chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội khởi xướng chiến dịch “Hãy tôn trọng bản thân” cho rằng, quấy rối tình dục phụ nữ, đối với bộ phận đáng kể nam giới Ai Cập, là cách thức bày tỏ tâm trạng tức giận trước tình hình kinh tế và chính trị tiêu cực của đất nước.
“Những người đàn ông vật lộn với nghèo túng và thất nghiệp. Họ luôn có nhu cầu giải tỏa áp lực, đổ lên đầu ai đó cơn tức giận của bản thân. Và phần nhiều họ chọn đối tượng yếu hơn mình, đó là phụ nữ”, TS Salah dẫn giải.
Giáo sư kinh tế Hamdl Abdul Azim cũng lập luận: Hiện tình hình kinh tế và văn hóa Ai Cập không cho phép con người thỏa mãn nhu cầu thầm kín của bản thân theo cách được chấp nhận và sự đồng thuận của cả hai phía. Đàn ông quấy rối tình dục phụ nữ ngoài đường phố, bởi đó là cơ hội duy nhất họ có thể tiếp xúc với đối tượng mình mong muốn.
Vậy nên, tách biệt giới không phải là giải pháp hóa giải hiệu quả vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ. Nó còn dẫn đến hiệu ứng tiếp tục hạ thấp vai trò người phụ nữ trong xã hội.
Việc cách ly phụ nữ khỏi nam giới, theo GS Hamdl Abdul Azim, chỉ khoét sâu thêm lỗ hổng giao tiếp chia cắt hai giới. Việc giam cầm phái đẹp Ai Cập trong những xe taxi mầu hồng, những quán cà phê và toa xe lửa “dành riêng cho nữ giới” có thể giải quyết một vài sự cố trước mắt, song về lâu dài sẽ dẫn đến những “di chứng” như quấy rối tình dục và bạo lực gia đình.