“Tôi biến 1.600 USD thành 1,7 triệu USD như thế nào?”

13:30 | 08/01/2016;
Andy Man, tác giả của cuốn sách “Tôi đã biến 1.600 USD thành 1,7 triệu USD như thế nào?”, đang là ngôi sao mới nổi trong giới đầu tư tài chính tại Mỹ. Hiện tại, anh sở hữu Công ty tài chính Serman Traders và nhiều bất động sản có giá trị khác.
anh-to_bqtc.jpg

“Rút kinh nghiệm từ chính những sai lầm của mình, bạn sẽ tiến bộ từng ngày”. 

Sai lầm đầu tiên mà Andy mắc phải lại chính là việc anh thành công quá sớm. Ngay từ năm đầu tiên, Andy đã kiếm được 100 nghìn USD. Điều này khiến anh trở nên tham lam, tham gia các giao dịch mạo hiểm, để rồi đánh mất hơn nửa số tiền mình kiếm được. Đó chính là kinh nghiệm đầu tiên mà anh rút ra: Phải biết đảm bảo lợi nhuận, phân tích kĩ thị trường để nhìn thấy những xu hướng đúng của nó. Đừng để lòng tham dẫn dắt quyết định đầu tư.

Không ai hoàn hảo và mỗi người lại có những điểm yếu khác nhau. Xác định được điểm yếu của mình và sửa chữa nó chính là bước đầu tiên đưa bạn đến thành công.

Xây dựng một nền tảng chắc chắn

Việc đầu tiên của một nhà đầu tư trên sàn giao dịch là phải biết cách nhìn thấy cơ hội sinh lời. Hãy bắt đầu từ những lợi nhuận nhỏ, khi đã có tiền, bạn có thể tiếp tục với những khoản đầu tư có giá trị lớn hơn. Sai lầm lớn nhất của các nhà đầu tư non kinh nghiệm là sự thiếu kiên nhẫn, muốn thu lợi lớn. Họ lao vào những giao dịch mạo hiểm khi chưa tìm hiểu kĩ thị trường và rồi bị đánh bật khỏi cuộc chơi một cách nhanh chóng. Là một doanh nhân, cần có sự mạo hiểm, nhưng bạn phải dành thời gian để nghiên cứu, phải làm chủ chứ đừng là một kẻ dại dột trong cuộc chơi của mình.

Sau khi thu về 1,7 triệu USD, Andy bắt đầu đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư của mình. Anh dành một phần không nhỏ để đầu tư bất động sản. Thu nhập từ đầu tư trên sàn giao dịch là không ổn định và không phải ngày nào anh cũng nhìn thấy cơ hội kiếm lời. Trong những lúc chờ cơ hội tới, nguồn thu ổn định từ bất động sản giúp anh có tài chính vững chắc, cơ sở để Andy tham gia các giao dịch mạo hiểm một cách có tính toán.

Lên kế hoạch từng ngày

“Chìa khóa” ở đây chính là việc tập trung vào những gì bạn đang làm. Bạn phải nắm rõ lịch trình công việc và các kế hoạch của chính mình, điều này giúp bạn chủ động và biết mình phải làm gì. Andy luôn lên kế hoạch cho các giao dịch của mình trước khi thị trường mở cửa. Rất nhiều người làm việc mà không có kế hoạch, vì thế mà họ thất bại. Khi giao dịch, bạn rất dễ sa đà vào cảm xúc nhất thời. Một kế hoạch định sẵn sẽ giúp bạn bình tĩnh và đi theo đúng hướng.

Một quyển sổ tay luôn bên mình để ghi lại những ý tưởng là điều rất tốt. Hãy tập cho mình thói quen ghi lại những việc cần làm theo tuần và sắp xếp chúng theo trình tự hợp lý. Điều này sẽ giúp bạn làm việc một cách thông minh và hiệu quả hơn. Hãy nghĩ trước khi bạn làm, nếu không, có thể bạn sẽ làm việc không hiệu quả hoặc thậm chí làm những việc vô ích. Đồng thời, đừng quên thêm vào những khoảng trống giữa các sự kiện hay cuộc họp, kể cả khi bạn chưa có kế hoạch gì với chúng. Việc này là để đề phòng những tình huống bất ngờ hoặc đơn giản là một chút nghỉ ngơi có chủ định không bao giờ là thừa.

Hãy thử lên kế hoạch cho một ngày thật sự bận rộn để biết ngày làm việc kinh khủng nhất của bạn sẽ như thế nào. Từ đó đưa ra phương án để “sống sót” qua những ngày đó. Đừng quên thời gian cho những bữa ăn và 1-2 ly cà phê.

Tập cách nghĩ của một doanh nhân

Khi Andy còn là một kỹ sư, anh được trả lương để làm việc, lương tính theo số giờ ngồi ở công ty. Trách nhiệm và áp lực lúc đó hoàn toàn khác khi là một doanh nhân. Là một doanh nhân, thậm chí có những thứ bạn phải làm mà không có ai trả công. Đây là điều mà bạn phải lạc quan để vượt qua. Bởi một doanh nhân giỏi là người đủ kiên nhẫn và nghị lực để hoàn tất công việc. Chỉ khi đó bạn mới được “trả công”.

Là người đi làm hưởng lương, thu nhập hàng năm của bạn gần như là cố định. Là một doanh nhân, không có trần giới hạn nào cả. Bạn có thể kiếm về hàng triệu USD hoặc hơn nữa, nhưng đồng nghĩa với việc bạn cũng có thể đánh mất chừng đó. Andy hiểu rằng mình phải học cách để không trở nên quá tham lam. Anh tự xây dựng cho mình tư duy bảo tồn những gì đang có và sử dụng nó để làm nền móng xây dựng những bước tiếp theo. Đây chính là tư duy của một doanh nhân thành đạt: Không bao giờ ngừng nghĩ cách để duy trì và tăng trưởng dòng lợi nhuận.

Tốt nghiệp đại học năm 2006 với tấm bằng kỹ sư xây dựng, không một chút kiến thức về thị trường tài chính nhưng với mục tiêu trở thành triệu phú vào năm 30 tuổi, Andy Man (ảnh nhỏ) đã theo học một khóa về giao dịch tài chính cùng với cộng sự hiện tại Mike Ser. Áp dụng những kiến thức học được cộng với tài năng của mình, Andy đã thu về 1,7 triệu USD từ số vốn ban đầu vỏn vẹn 1.600 USD. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn