Ngay khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường từ lúc 18 tháng tuổi, nhưng phải đến khi con 2 tuổi, tôi mới đưa con đi can thiệp riêng với cô giáo chuyên biệt vào các buổi tối.
Ban ngày, tôi cho con đi học lớp mầm non bình thường, để mong con có thể học ở các bạn bình thường nhanh hơn. Tuy nhiên, khi theo dõi qua camera của lớp và nhiều lần chứng kiến những giờ học tập thể của lớp, con chỉ hoạt động ở thế giới riêng ở góc lớp, cho dù đó là giờ học nào, là hoạt động vui chơi, ăn uống hay nghỉ ngơi của lớp. Thậm chí, có nhiều giờ học, cô chỉ sểnh ra một cái là con đã chạy vụt ra cửa lớp, lang thang ở hành lang hoặc trong sân trường, khiến bao phen các cô giáo phải thót tim, hụt hơi đi tìm con.
Tôi cũng xót xa và vô cùng lo lắng khi khó hoà nhập với môi trường mầm non bình thường, nhưng tôi nghĩ, nếu con không thể hoà nhập được với mọi hoạt động của lớp, không hoà nhập được với các bạn thật nhanh thì con chắc chắn không thể vào lớp 1 đúng độ tuổi. Tôi nghĩ, chỉ cần con biết phân biệt đâu là cô giáo, đâu là mẹ, nghĩa là con có chút nhận thức, thì chúng ta hoàn toàn có thể giúp con hoàn thiện dần những thứ còn khuyết thiếu trong con.
2 tuổi, con tôi không có ngôn ngữ, chữ "ạ" con cũng chưa thể bật ra được, con tăng động nhiều và không có nhận thức. Vậy để con có thể đi học lớp 1, trước hết con cần phải giảm sự tăng động ở mức thấp nhất. Nghĩa là trước khi con học được cái chữ, hiểu biết bài giảng, thì con phải ngồi yên một chỗ đến hết giờ học, hoặc ngồi yên hết chờ tập trung chào cờ, ngày lễ ở trường theo quy định.
Để rèn cho con ý thức kỷ luật ở lớp, tôi đã nhờ cô giáo chuyên biệt kèm con ngay từng buổi học ở giờ học của lớp mẫu giáo 3 tuổi. Bởi tôi thấy, cứ khi có cô giáo chuyên biệt ngồi cạnh thì con ngồi yên, khi cô chuyên biệt chưa tới, thì cô chủ nhiệm có nhắc nhở, quát phạt kiểu gì con vẫn bỏ ghế chạy ra góc lớp chơi 1 mình. Tôi và cô giáo chuyên biệt cùng bàn bạc, nhờ cô giúp con ngồi yên tại hàng ghế quy định được 10 phút mỗi giờ học. Sau đó, tuần sau tăng lên 15 phút, các buổi học sau đó cô chuyên biệt cứ tăng dần cho con ngồi yên 1 chỗ đến 20 phút, 30 phút, 45 phút và thậm chí là 1 giờ.
Lúc ấy, tôi chỉ nhờ cô giáo chuyên biệt giúp con rèn ý thức tại lớp, chưa cần quan tâm con học được gì ở giờ học đó, dù là vẽ, là bài hát, hay những bài học nhận biết màu sắc, âm thanh… Tất cả nội dung bài giảng của lớp mẫu giáo sau đó đã được cô giáo chuyên biệt đưa con về phòng học chuyên biệt để dạy kèm 1 mình con thêm về kiến thức bài học trên lớp cộng đồng.
Cứ như vậy từng ngày, từng tuần, từng tháng năm tôi và cô giáo kiên trì trao đổi, phối hợp ở nhà và ở lớp để giúp con không bỏ lỡ 1 nhịp nào trong hành trình tiến vào lớp 1.
Càng lên lớp mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi, càng phải rèn con vào nền nếp học, càng phải giúp con nhận thức về thế giới xung quanh, nhận biết con số, chữ cái bằng nhiều cách khác nhau. Cứ phương pháp này con không nhận thức được, không nhớ được, thì tuần sau tôi và cô giáo chuyên biệt lại bàn bạc, nghiên cứu và thay đổi cách khác để làm sao con dễ nhớ, dễ học và con dần nhận thức tốt hơn.
Để con bớt tăng động, tôi không dùng bất cứ một viên thuốc nào cho con. Bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ của nó, trong khi con Vip của chúng ta hạn chế nhận thức nên mới có những biểu hiện, hành vi khác người. Con không thể tự nhận thức được mọi sự việc xung quanh, vì vậy chúng ta cần giúp con nhận thức được mọi hành vi, biểu hiện của con với mọi hoạt động thường ngày như: đâu là nguy hiểm khi con cắm đầu chạy về phía trước, đâu là chưa đúng khi con lăn ra đất ăn vạ, khóc lóc khi không đạt được ý muốn của mình, đâu là nước nóng sẽ bị bỏng tay… Tôi cùng các cô giáo kiên trì giúp con mỗi ngày, đến khi con có thể ngồi yên để theo một giờ học tại lớp mẫu giáo lớn cùng các bạn.
Về nhận thức, từ lớp mẫu giáo 4 tuổi, con bắt đầu học thêm chữ cái và con số. Nhưng con hay nhại lại lời cô, chứ không tự nói được. Cô cứ dạy nhiều lần, bằng nhiều hình ảnh để con chụp lại trong trí nhớ tốt hơn. Đến lớp mẫu giáo 5 tuổi, con bắt đầu học về bảng cộng chữ số trong phạm vi 10 và bắt đầu tập tô nét chữ, ghép chữ 2 có 2 vần đơn giản như: ba, bà, ông, mẹ, bố, chị... Và học viết chính tên của con, những từ ngữ đó gắn bó với con hàng ngày, nên con dễ hiểu, dễ nhớ.
Khi con đã rèn được ý thức ngồi 1 chỗ theo giờ học của cấp tiểu học, hành vi đánh bạn, biểu hiện ăn vạ, tăng động của con cũng bớt dần. Dù vẫn còn nghi ngại, nhưng tôi vẫn quyết định cho con theo vào lớp 1 học cùng các bạn. Dù đã chuẩn bị rất sớm mọi hành trang cho con vào tiểu học, nhưng ở môi trường mới, con vẫn bộc lộ khá nhiều biểu hiện, hành vi chống đối các cô giáo mới trong giờ học, con không chịu viết bài, ăn vạ… Tôi tiếp tục cho cô giáo chuyên biệt đến kèm con tại trường tiểu học, giúp con tiếp tục hoàn thiện mọi hành vi và nhận thức các bài giảng của lớp 1.
Bởi cách dạy của cô giáo tiểu học cho các bạn bình thường là khá nhanh và đơn giản, nên con Vip không thể nhận thức, tư duy kịp bài giảng. Con không hiểu bài sẽ nhanh chán, sẽ chống đối lại việc ngồi yên trong giờ học, làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Vì vậy, có cô giáo đi kèm sẽ vừa giúp con ổn định hành vi, vừa hỗ trợ con theo cách riêng của mình để giải thích lại mọi kiến thức mà cô chủ nhiệm đang dạy các bạn trong lớp.
Cô chuyên biệt kèm chặt con trong 2 năm đầu tiểu học là lớp 1 và lớp 2, khi con đã hoà nhập tốt hơn với các bạn cùng lớp, thì năm lớp 3, rồi lớp 4 hiện nay, con đã tự ngồi học ở lớp rất ngoan, nhận thức chắc khoảng 60% kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục. Dù đôi lúc có những việc không đúng ý của con, con vẫn chống đối, nhưng ngay khi được cô giáo bộ môn và các bạn trong trường giúp đỡ, nhắc nhở, con đã nhận ra mình sai và biết hứa để sửa, biết xin lỗi các bạn và cô giáo khi làm việc gì chưa đúng.
Tôi cho rằng, chỉ cần con bạn có nhận thức, dù là rất nhỏ thì cũng là tia hy vọng để các mẹ tiếp tục kiên trì, không bỏ cuộc, không hoang mang, mà hãy hỗ trợ con từng ngày, từng việc nhỏ nhất trong mọi sinh hoạt hàng ngày, để con hoàn thiện dần bản thân. Chúng ta là cha mẹ Vip, nên hãy xác định sẽ đồng hành cùng con cả cuộc đời, nên trước khi mong cho con bằng bạn bè, chúng ta sẽ là người thương yêu và hiểu các con mình nhất. Bởi khi hiểu con rồi, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ cùng các cô giáo giúp đỡ con mỗi ngày trong hành trình hoà nhập với cuộc sống./.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn